Chi phí lớn nhất hiện nay là phòng chống dịch
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Một chuyến hàng đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa qua phải chịu 4 lần xét nghiệm, trong đó 3 lần xét nghiệm COVID-19 với lái xe và 1 lần với hàng hóa phương tiện. Gần đây, UBND TP Móng Cái đã bỏ 1 lần test nhanh trước khi về cửa khẩu. Tính trên cả nước có 800.000 lái xe toàn quốc, mỗi lái xe phải xét nghiệm từ 12 đến 15 lần/tháng thì đang tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ của doanh nghiệp và của chính nền kinh tế. Nếu để doanh nghiệp tự xét nghiệm, có thể giảm 70 - 80% chi phí”.
"Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực Cửa khẩu Móng Cái dù đã giao nhận xong hàng hóa nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc hôm sau mới được rời đi, phát sinh chi phí rất lớn cũng như tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam bức xúc.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, chi phí lớn nhất của doanh nghiệp trong thời gian qua là chi phí phòng chống dịch gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp, trong đó, chi phí gián tiếp được ví là lớn khủng khiếp. Bà Nguyễn Minh Trang, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Delta cho biết: Vài tháng gần đây, doanh nghiệp phải chi 300 triệu đồng mỗi tháng để xét nghiệm PCR cho các nhân viên. Tuỳ theo mẫu gộp (từ 1 đến 10), phổ giá từ 750.000 đồng xuống 193.000 đồng một người một lần xét nghiệm.
“Nếu doanh nghiệp có 60 lái xe đang chạy, với 3 ngày xét nghiệm 1 lần PCR, một tháng chi phí đội lên hàng trăm triệu đồng. Với khoản chi phí này, nhiều doanh nghiệp cực chẳng đã đành giao hàng chậm hoặc giảm 50% hoạt động chạy xe. Nếu tồn tại lâu dài mà theo cách làm của từng tỉnh, việc doanh nghiệp phá sản, đứt gẫy chuỗi cung ứng, khó phục hồi sản xuất sau khi dịch lắng xuống”, ông Đặng Thế Phương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại Vận tải XNK Tùng Anh cho biết.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng “loạn” giá xét nghiệm. Hiện giá xét nghiệm test nhanh và Real-time RT - PCR mỗi nơi niêm yết một giá khác nhau, không có mức cố định. Đơn cử giá xét nghiệm PCR dao động từ 850.000 đến 1,6 triệu đồng/lần/người. Năm 2020, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ đưa ra hướng dẫn về giá xét nghiệm test nhanh là 238.000 đồng/mẫu, test PCR là 734.000 đồng/mẫu. Mức giá này được áp dụng cho tới trước ngày 1/7/2021, được đề xuất trên cơ sở các quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT. Từ ngày 1/7/2021, đối với test nhanh, do nhiều công ty nhập test và trong nước cũng đã sản xuất được, nên giá test rất khác nhau.
Trong khi đó theo chia sẻ mới đây nhất của một công ty gỗ tại tỉnh Bình Dương, sau mốc ngày 1/7/2021 (thời điểm nhiều doanh nghiệp kỳ vọng giá xét nghiệm test nhanh sẽ giảm do nguồn cung tăng bởi nhiều công ty nhập test trong nước đã sản xuất được), họ vẫn phải ký hợp đồng làm test nhanh cho nhân viên với một trung tâm y tế tại tỉnh Bình Dương là 326.00 đồng/người, cao gấp 1,3 lần so với mức giá 238.000 đồng/mẫu, mức giá Bộ Y tế từng báo cáo Chính phủ.
Đề xuất đưa kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá, Bộ Tài chính nói gì?
Nhằm giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp vì dịch còn kéo dài, nhu cầu cao trong khi giá thị trường đắt đỏ, 14 hiệp hội của một số lĩnh vực, ngành hàng đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa kit xét nghiệm COVID-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá; đồng thời, đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm.
Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.
Trước những kiến nghị trên của 14 Hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá năm 2012; Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 177/2013/NĐ ngày 14/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, “sản phẩm test nhanh COVID -19” hiện không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn thi hành.
"Theo quy định tại Luật Giá, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế (Bộ quản lý ngành, lĩnh vực) nghiên cứu đánh giá làm rõ sự cần thiết, trong đó đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý, những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá để có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp… bình ổn giá theo quy định pháp luật về bình ổn giá tại Luật Giá, pháp luật chuyên ngành về y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền", đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Hiện, Bộ Tài chính đang đánh giá tổng thể để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giá năm 2012, theo đó sẽ phối hợp với Bộ Y tế cũng như các Bộ, ngành có liên quan đánh giá, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giá năm 2012 trong đó rà soát bổ sung các mặt hàng Nhà nước quản lý theo trình tự, thủ tục quy định, phù hợp yêu cầu quản lý và thực tiễn phát sinh.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 vào chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Thời gian qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test COVID-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hằng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của Bộ Y tế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh. Bộ Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh. |