Tạ Nhị ·
47 tuần trước
 7831

Đề xuất không xây chung cư cao tầng trong bán kính 10km tại thành phố lớn?

Đại biểu Quốc hội đề nghị trong quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn, vùng lõi trong bán kính 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại, gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.

Trước tình trạng quá tải về hạ tầng do các chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều ở khu vực nội đô, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kiến nghị đối với quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, những vùng lõi trong bán kính khoảng dưới 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại nằm giữa trung tâm vùng lõi, gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.

Thay vào đó, chỉ ưu tiên cho việc xây dựng những công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh. Ý kiến này đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi trung tâm thành phố lớn các nhà máy, trường đại học...

Ảnh minh họa.

Theo cơ quan soạn thảo, phạm vi quy hoạch sử dụng đất chỉ xác định và khoanh vùng các khu vực phát triển đất ở, còn việc xác định quy mô, tầng cao các chung cư thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng.

Đối với việc quy hoạch các công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh hay di dời các nhà máy, trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích đây là nội dung được xác định, quy định trong các nhiệm vụ lập quy hoạch để thực hiện các mục tiêu cụ thể của từng đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, có ý kiến đề nghị cần có cơ chế thu hồi đối với đất cho phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại… hoặc có cơ chế Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết được với các chủ sử dụng đất.

Ngoài ra, có đề nghị cần cơ chế thu hồi đất đối với trường hợp thỏa thuận được 70-80%, đặc biệt đối với dự án nhà ở thương mại. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định thu hồi đất nhưng cho các doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân để lợi ích của người bị thu hồi đất được bảo đảm.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự. Nếu Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất với các trường hợp không thỏa thuận được, là không phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Mặt khác, thực hiện như vậy sẽ dẫn tới việc so bì giữa người bị thu hồi đất và người đã thỏa thuận nên dễ dẫn tới khiếu kiện.

Các chuyên gia cho rằng việc quy hoạch nội đô là một bài toán khó. Tuy nhiên, việc quản lý và triển khai quy hoạch còn khó hơn nhiều, đòi hỏi năng lực của các cấp chính quyền cần được nâng cao, tránh tình trạng quy hoạch chỉ mãi nằm trên giấy.

Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển nhà ở với tổng số nhà ở hoàn thiện trong năm nay là 21.100 căn với tổng diện tích là 4.110.000 m². Đối với nhà ở xã hội, tổng số nhà ở cùng diện tích là 400 căn và 28.000 m². Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 28 m²/sàn/người.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, thành phố đã hoàn thành gần 50 triệu m² sàn nhà ở. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 45 triệu m² và 45 triệu m² vào giai đoạn 2021 – 2030. Theo dự báo trong giai đoạn này, Thủ đô sẽ cần 89 triệu m² cho người dân trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu đề ra về nhu cầu vốn xây dựng nhà ở trong giai đoạn này là 880.000 tỷ đồng và vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phát triển các khu đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến lên quận. Các loại hình nhà ở được tập trung triển khai, đồng thời tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu chỗ ở cho người dân có mức thu nhập khác nhau.

Đối với khu vực nội đô lịch sử, việc giảm thiểu tối đa phát triển nhà chung cư để hạn chế gia tăng dân số cũng như quá tải hạ tầng là điều cần thiết. Tuy vậy, các dự án cải tạo và xây dựng chung cư cũ hoặc nhà tái định cư vẫn sẽ được triển khai. Đối với các khu vực còn lại, các dự án chung cư lại được khuyến khích gia tăng nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất thay vì phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng.

Dựa trên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án chậm triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, những dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi nhằm phục vụ cho việc lựa chọn lại chủ đầu tư cũng như công khai thông tin vi phạm.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6552060588186975/