Huyền My ·
1 năm trước
 5674

Đề xuất xây dựng Luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM

Bộ Xây dựng đề nghị cân nhắc đề xuất xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM, nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) góp ý về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong đó, cơ quan này đề nghị cân nhắc đề xuất xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM, nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Được biết, Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, trong đó có chính sách xây dựng, phát triển và quản lý đối với đô thị đặc biệt là Hà Nội. Như vậy, đề xuất tại dự thảo đề án nghị quyết mới thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù thay thế Nghị quyết số 54, về bản chất là xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

Do đó, với mục tiêu phát triển TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ KH&ĐT, phối hợp với UBND TP.HCM cân nhắc nghiên cứu, đánh giá tác động, đề xuất một số chính sách về phát triển đô thị trong dự thảo Nghị quyết.

Hiện, Bộ Xây dựng đang triển khai lập hồ sơ xây dựng Luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật quản lý và Phát triển đô thị dự kiến trình Chính phủ trước ngày 1/11/2023.

Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế cho phép thành phố được chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông.

Bộ Xây dựng đề xuất xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TP.HCM, nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị và phát triển đô thị bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã góp ý về đề xuất thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất khác không phải đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cơ quan này cho rằng, nội dung đề xuất chưa bảo đảm tính khả thi, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở mới thực hiện được chính sách. Theo bộ, cần xác định rõ việc đề xuất thí điểm bổ sung hình thức sử dụng đất là chỉ áp dụng đối với dự án nhà ở xã hội hay áp dụng với dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, Bộ Xây dựng đề nghị chỉnh lý nội dung dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định cụ thể chính sách đặc thù, bảo đảm thể chế hóa yêu cầu phát triển nhà ở xã hội tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-20230, bảo đảm quản lý, sử dụng chặt chẽ nguồn lực đất đai, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình cấp có thẩm quyền.

Cần thiết xây dựng Luật đô thị đặc biệt 

Là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 16/2012, Kết luận số 21/2017; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, nhằm Xuất phát từ thực tế TP.HCM.

Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù, TP.HCM chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành.

Bối cảnh hiện nay cho thấy cần một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 để tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới. Việc này sẽ góp phần giúp TP.HCM thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước và phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế. 

TP.HCM đang chuẩn bị song song việc tổng kết Nghị quyết 16, hướng tới nghị quyết/kết luận mới của Bộ Chính trị về phát triển thành phố và Nghị quyết 54 của Quốc hội hướng tới nghị quyết mới.

Trong đó nghị quyết/kết luận của Bộ Chính trị mang định hướng/quan điểm chiến lược, còn nghị quyết của Quốc hội là cụ thể hóa ra những định hướng đó thành các cơ chế. Các cơ chế đề xuất trong giai đoạn này (ít nhất là 5 năm tới) mang tính đặc thù vì, thứ nhất, khung pháp lý hiện tại chưa phù hợp hoặc chậm cập nhật so với quá trình phát triển của thành phố. Thứ hai, nhiều vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển mà hoàn toàn chưa có khung pháp lý, luật để quy định.

Chính vì vậy, về lâu dài TP.HCM phải có khung pháp lý phù hợp với đặc tính, quy mô và quá trình phát triển của mình. Đó có thể là một luật về đô thị đặc biệt mà nhiều chuyên gia đã đề xuất.