Long Mai ·
3 năm trước
 2764

Đến năm 2025, 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn

Cấp nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả cộng đồng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Hiện nay, nguồn nước sạch ở nông thôn Việt Nam đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Ngoài sự tác động của nguồn nước thải do các nhà máy ở lưu vực các con sông, lý do cần phải kể đến là do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề…

Theo Bộ NN&PTNT, toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 28,3 triệu người (44% tổng dân số nông thôn). Trong đó, hoạt động bền vững chiếm 33,1%, tương đối bền vững chiếm 35,3%, kém bền vững chiếm 17%; không hoạt động chiếm 14,6%. Các công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…

Tuy nhiên, tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chưa thực sự bền vững do yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nước. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

nước sạch

Hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Cụ thể, vùng miền núi phía bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước…

Do đó, việc xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025” là rất cần thiết nhằm mục đích vừa đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, vừa phát triển theo xu hướng thị trường đảm bảo ổn định, bền vững trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu.

Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%, góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Để thực hiện các mục tiêu trên, dự thảo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn theo hướng đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, phù hợp với thực tiễn, mở rộng đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.

Nâng cao năng lực, khả năng chống chịu với môi trường, ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu của các hệ thống công trình cấp nước đảm bảo vận hành hiệu quả, bền vững.

Ngoài ra, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn.

Liên quan đến vấn đề này, ThS Nguyễn Thị Nga (Viện Nghiên cứu Con người) nhận định: “Ô nhiễm nguồn nước, suy giảm chất lượng canh tác, nuôi trồng, sản xuất ở các làng nghề… đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế người dân, nhất là đối với người nông dân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể có cơ hội thay đổi công việc, chỗ ở.

Nếu coi nước là nguồn lực tham gia hoạt động sản xuất, thì ô nhiễm nước đã và đang trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến thu nhập và sinh kế bền vững của người dân khu vực nông thôn. Ngoài ra nó cũng làm cho thu nhập từ hoạt động du lịch bị giảm do không hút được lượng khách đến tham quan và nghỉ dưỡng ở những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước”.

Nguồn