Song Vũ ·
1 năm trước
 3600

Đến năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức vận hành giao dịch tín chỉ carbon

Mỗi năm rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vậy lộ trình để triển khai thị trường carbon ra sao?

Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết đầy tham vọng rằng Việt Nam sẽ tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam dự kiến sẽ chính thức tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon. Từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam; đồng thời triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng… và đến năm 2028 sẽ chính thức tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon, đây là thông tin mới được đưa ra tại hội thảo "Thị trường carbon rừng: Kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường carbon rừng tại Việt Nam".

Đến năm 2028, Việt Nam dự kiến sẽ chính thức tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon. (Ảnh minh họa)

Phần lớn diễn giả tại hội thảo phân tích thực trạng, xu hướng tương lai của thị trường carbon rừng, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia về cách vận hành thị trường carbon rừng, để từ đó đề xuất xây dựng lộ trình thị trường carbon rừng Việt Nam.

"Việt Nam có thể đi sau so với các quốc gia khác, nhưng nếu có hành lang pháp lý ổn định, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư và có cam kết chính trị để hướng tới thị phần đang khan hiếm trong thị trường, đó là thị trường phân khúc giá trị cao, thì Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng", bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc Chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và Phát triển carbon thấp toàn cầu, Tổ chức Cifor - Icraf, đánh giá.

Diện tích rừng Việt Nam có 14,7 triệu ha, với độ che phủ rừng khoảng 42%, độ đa dạng sinh học cao, 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng. Theo các chuyên gia, đây là lợi thế để Việt Nam bán được tín chỉ carbon rừng chất lượng cao. Cái thiếu bây giờ là một khung pháp lý hoàn chỉnh.

Ông Vũ Tuấn Phương, Giám đốc văn phòng chứng chỉ rừng bền vững, cho biết: "Thứ nhất, chúng ta cần có khung pháp lý đầy đủ quy định giữa các bên, có thể trao đổi với nhau, bên nào phải giảm phát thải, bên nào có thể cung cấp các dịch vụ tín chỉ carbon cho bên có nhu cầu giảm phát thải. Thứ hai, chúng ta cần có năng lực kỹ thuật nhất định để thực hiện các hoạt động về báo cáo, thẩm định, giám sát. Thứ ba, tất cả cơ sở dữ liệu cần phải minh bạch".

Ước tính trung bình mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon. Trong giai đoạn 2018-2025, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã chuyển nhượng được 10,3 triệu tấn CO2 cho quốc tế.

Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, hiện nay các hình thức mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon trên thế giới rất đa dạng. Đối với thị trường tự nguyện, giá mua bán có thể thấp hơn do mang tính chất là trao đổi, hỗ trợ nâng cao năng lực còn đối với thị trường bắt buộc thì tùy theo chính sách, ưu tiên của mỗi quốc gia thì giá giao động có thể từ vài USD đến hàng trăm USD/1 tấn CO2. Nguồn lực này sẽ đầu tư cho việc trồng rừng, phục hồi rừng hoặc hỗ trợ cộng đồng nâng cao sinh kế để giảm thiểu tác động làm suy thoái rừng.