Thành Phong ·
28 tuần trước
 9205

Điểm mặt những doanh nghiệp ở Thanh Hóa bị xử phạt vì vi phạm về môi trường

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt với nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường...

Tại Quyết định số 95/QĐ-XPHC, áp dụng biện pháp xử phạt đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hóa (Trụ sở chính tại Lô E KCN Lễ Môn, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Người đại diện theo pháp luật: Lê Quý Việt). Nguyên nhân của việc xử phạt này là do công ty đã vi phạm quy định về không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá cũng bị xử phạt số tiền 450.000.000 đồng vì không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Ngoài hình thức xử phạt chính, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Thanh Hoá bị đình chỉ hoạt động triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án nâng công suất nêu trên mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong thời hạn 9 tháng.

Tại Quyết định số 96/QĐ-XPHC, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa – CTCP số tiền 2.150.000.000 đồng.

Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa – CTCP (trụ sở chính tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Người đại diện theo pháp luật: Trương Lâm) đã thực hiện hành vi vi phạm: Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hoàng Long và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Hoàng Long.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt Công ty Cổ phần Thương mại vận tải và Chế biến hải sản Long Hải theo Quyết định số 97/QĐ-XPHC, với số tiền xử phạt là 450.000.000 đồng. Nguyên nhân xử phạt là do công ty không tuân thủ quy định về việc không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nâng công suất tại thôn Tiền Phong, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC tại Thanh Hóa. (Ảnh: ITN)

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC cũng bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 434.506.000 đồng vì 5 hành vi vi phạm.

Thứ nhất, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Với hành vi này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC số tiền 270.000.000 đồng.

Thứ hai, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/ngày (24 giờ) đến dưới 200m3/ngày (24 giờ). Với hành vi này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC số tiền là 110.000.000 đồng.

Thứ ba, doanh nghiệp này báo cáo không đúng, không đầy đủ hoặc không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (năm 2021, Công ty lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường nhưng không đúng về tình hình phát sinh, chuyển giao, lưu giữ chất thải nguy hại và không gửi báo cáo tới cơ quan có thẩm quyền theo quy định).

Với hành vi này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC số tiền 15.000.000 đồng.

Thứ tư, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC báo cáo không đúng, không đầy đủ hoặc không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định (Báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2022 không đầy đủ về các loại chất thải nguy hại phát sinh (thiếu ắc quy thải), số liệu báo cáo kỳ trước không phù hợp với số liệu trong báo cáo năm 2021 và không gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định). Quy định tại Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP

Với hành vi này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC số tiền là 15.000.000 đồng.

Thứ năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc lưu giữ chất thải nguy hại trong trường hợp lưu giữ quá 01 năm kể từ thời điểm phát sinh mà chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp, chưa có phương án vận chuyển, xử lý khả thi (cụ thể: từ năm 2020 đến nay, Công ty phát sinh 2.200kg bình acquy thải nhưng không báo cáo và không được chấp thuận về việc lưu giữ, không chuyển giao cho đơn vị có chức năng).

Với hành vi này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC số tiền là 15.000.000 đồng. Với những hành vi vi phạm trên tổng số tiền mà Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC phải nộp là 434.506.000 đồng.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra lỗi vi phạm tại Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa như: Đã thực hiện tiếp nhận, chôn lấp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt quá công suất và thời gian so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (công suất tiếp nhận thực tế hàng ngày khoảng 380 tấn/ngày, công suất theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt là 230 tấn/ngày, thời gian dự án là 5,8 năm kể từ ngày 11/11/2013; tương ứng với tổng khối lượng là 486.910 tấn; thực tế công suất tiếp nhận trung bình 380 tấn/ngày, tổng khối lượng đã tiếp nhận, chôn lấp là 857.078 tấn).

Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa phải nộp phạt số tiền phạt là 350 triệu đồng. Ngoài số tiền bị xử phạt, doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án đầu tư mà không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong thời hạn 9 tháng.

Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã thực hiện biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thông qua việc xả thải. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra và gây phẫn nộ trong cộng đồng. Ví dụ, Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình nuôi thử nghiệm Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh. Công ty này đã nuôi thử nghiệm hàng trăm con lợn mà chưa có giấy phép môi trường, dẫn đến mùi hôi thối lan tỏa ra khu dân cư.

Các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Agri-Vina khẩn trương hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, xin cấp giấy phép môi trường, và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải để hạn chế việc phát tán mùi hôi thối ra khu dân cư. UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra chỉ đạo xử lý dứt điểm trước ngày 15/10/2023 để giải quyết tình trạng ô nhiễm.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6935038333222530