Ban hành 120 quyết định xử phạt liên quan đến môi trường
Giữa tháng 11, Huyện ủy Bình Chánh (TP. HCM) đã tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 06 ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh, trong giai đoạn 2021 - 2025 (Chỉ thị 06).
Dựa theo báo cáo của Huyện ủy Bình Chánh, trên toàn khu vực hiện có khoảng 15.524 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, trong đó có 3.644 đơn vị phát sinh rác thải, nước thải công nghiệp. Đáng lo ngại là có đến 3.282 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen cài trong các khu dân cư, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ngành nghề kinh doanh, mua bán, tái chế phế liệu chiếm gần 52% trên tổng số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Bình Chánh (Ảnh minh hoạ).
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bình Chánh cho biết: Đối với các cơ sở này, phần lớn được di dời từ các quận nội thành trong hơn 20 năm qua, đa số là các cơ sở nhỏ lẻ, máy móc thiết bị thô sơ, công nghệ sản xuất lạc hậu, nhà xưởng thuê tạm bợ.
Đồng thời, theo thống kê mới nhất của huyện Bình Chánh, toàn huyện có hơn 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải và các tác động đến môi trường với các ngành nghề tái chế phế liệu, nhuộm, giặt - sấy vải, thực phẩm, ….
Trong đó, có 617 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và 84 cơ sở cơ sở ô nhiễm môi trường(đã bị xử phạt trong năm 2020 và 2021). Các đơn vị gây ô nhiễm này tập trung chủ yếu nhiều nhất tại xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B (với tổng 236 cơ sở)
Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra 449 cơ sở và ban hành 120 quyết định xử phạt với tổng số tiền thu vào ngân sách gần 5,1 tỉ đồng.
Phòng TN&MT đã chủ động kiểm tra, tham mưu UBND huyện chuyển Công an huyện kiểm tra, xác minh theo thẩm quyền đối với 4 trường hợp trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B.
Các cơ sở này đa phần vi phạm do không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải, cùng nhiều vi phạm khác bị người dân, các phương tiện truyền thông thường xuyên phản ánh. Những cơ sở này còn xây dựng nhà xưởng một cách tạm bợ trên đất nông nghiệp, chủ yếu vào ban đêm để đối phó với cơ quan chức năng.
Đối với 4 trường hợp nêu trên, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh đã nhanh chóng có thông báo tiếp nhận kiến nghị khởi tố hồi tháng 3/2022 với trường hợp cụ thể là bà Đào Thị Liên, ngụ xã Vĩnh Lộc B. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Đã xoá được hơn 70 điểm đen về rác thải
Bên cạnh đó, trong hơn một năm triển khai Chỉ thị 06, huyện Bình Chánh đã tổ chức thực hiện 685 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường với hơn 47.200 lượt người tham gia thực hiện. Kết quả đạt được là huyện đã xóa 77 điểm đen về rác thải (trước Chỉ thị 06 có 48 điểm).
Qua phong trào thực hiện Chỉ thị 06, tại huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động mới đầy thiết thực, có hiệu quả cao. Điển hình như hoạt động cải tạo 26 điểm đen về rác thành nơi tập thể dục ngoài trời, sân chơi thiếu nhi, vườn hoa. Chất lượng vệ sinh môi trường tại một số khu vực, tuyến đường ở huyện cũng đã được cải thiện; hạn chế tình trạng rác tự phát trên các tuyến đường, vỉa hè.
Một trong các giải pháp trọng tâm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện cũng được cơ quan chức năng triển khai là kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh tái chế phế liệu; xử lý các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dệt, nhuộm, xay nhựa, …
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra 449 cơ sở và ban hành 120 quyết định xử phạt với tổng số tiền thu vào ngân sách gần 5,1 tỉ đồng (Ảnh Báo Công lý).
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đưa ra nhận định: Trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường có xảy ra nhiều trên địa bàn. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Chỉ thị 06, Bình Chánh đã có nhiều bước chuyển biến rất rõ rệt, đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác bảo vệ môi trường và chấn chỉnh tình trạng xây dựng sai phép.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả cao Chỉ thị 06, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh đã đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; cơ sở mua bán, tái chế phế liệu.
Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn huyện cần tích cực thực hiện công tác duy tu, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch tạo sự thông thoáng cho dòng chảy nhằm giảm ngập nước; tiếp tục duy trì và tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường.