Theo đó, trong năm 2023 tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán ở mức 17%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với năm 2022.
Trong số 27 ngân hàng khảo sát chỉ có 7 ngân hàng có ROE tăng so với năm trước. Mặc dù đi xuống nhưng chỉ số ROE của toàn ngành ngân hàng vẫn thuộc nhóm cao nhất trên thị trường chứng khoán..
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong bảng xếp hạng lần này, ngân hàng ACB đã vươn lên vị trí đứng đầu về ROE (vượt qua VIB) với tỷ lệ này đạt ở 24,8% và giảm 1,7 điểm phần trăm so với năm 2022. VIB lui xuống ở vị trí á quân cùng với mức ROE đạt 24,3% sau khi giảm mạnh 5,5 điểm phần trăm trong năm qua.
HDBank theo sau với chỉ số ROE ghi nhận đạt 24,2%, đứng vị trí thứ ba trong danh sách. Hạng 4 là ngân hàng MB với ROE 23,9%, giảm 1,7 điểm phần trăm. Chỉ số ROE của đại diện Big4 là Vietcombank tính đến ngày 30/12/2023 đã giảm tới 2,7 điểm phần trăm, kéo xuống còn 21,7%, theo đó ngân hàng này giữ vị trí thứ 5.
Ở vị trí thứ 6 lại là một ngân hàng khác trong nhóm Big4 là BIDV với ROE đạt 19,4% (tăng nhẹ 0,1%). Tương tự, một đại diện nữa trong nhóm ngân hàng quốc doanh là VietinBank cũng ghi nhận chỉ số ROE tăng 0,4 điểm phần trăm lên mức 17,1% - xếp thứ 10.
Đứng vị trí thứ 7 trong danh sách trên là ngân hàng LPBank với tỷ lệ ROE đạt 19,2% sau khi giảm mạnh 2,9 điểm phần trăm. Trong năm qua, Nam A Bank và Sacombank có chỉ số ROE cải thiện tích cực, lần lượt tăng 1,3 và 4,5 điểm phần trăm, tương ứng với mức 18,8% và 18,3% - xếp thứ 8 và 9.
Theo khảo sát, tính đến hết quý 4/2023, có tới 20 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận ROE sụt giảm so với mức đạt được trong cả năm 2022. Theo đó, một số ngân hàng có mức ROE giảm sâu là VPBank (giảm 10,7 điểm phần trăm); TPBank (giảm 7,8 điểm phần trăm ); Eximbank (giảm 5,3 điểm phần trăm); BVBank (giảm 6,5 điểm phần trăm); SeABank (giảm 5 điểm phần trăm); Techcombank (giảm 4,9 điểm phần trăm); PGBank (giảm 3,5 điểm phần trăm); SHB (giảm 3,6 điểm phần trăm); MSB (giảm 2,9 điểm phần trăm); VietABank (giảm 3,1 điểm phần trăm)…
Ở chiều ngược lại, Sacombank ghi nhận ROE tăng mạnh nhất ngành ngân hàng (cao hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2022). Những nhà băng có ROE cải thiện còn có Saigonbank ( tăng 1,7 điểm phần trăm); Nam A Bank (tăng 1,3 điểm phần trăm); VietBank (tăng 1,1 điểm phần trăm).
Năm 2024 mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang?
Tại báo cáo triển vọng kinh tế được công bố gần đây, Chứng khoán KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 (trong khoảng 4,85% - 5,35%) giữa bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử. Tuy vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75 – 1 điểm phần trăm.
Theo báo cáo, nhiều yếu tố trọng yếu sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất huy động. Trong đó, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy vậy khó có đột biến. Do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Kinh tế nước ta được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6% với lĩnh vực bất động sản, khu vực có tỷ trọng đóng góp cao trong tăng trưởng tín dụng, chưa thể hồi phục mạnh mẽ.
Theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay từ phía cầu sẽ chưa lớn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức quanh 13,5% - 14,5%, thấp hơn chỉ tiêu 15% mà Ngân hàng Nhà nước giao trong năm nay.
Ngoài ra, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Tuy vậy, KBSV cũng thể hiện sự quan ngại với yếu tố bất ngờ từ rủi ro địa chính trị vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Tình hình khó lường một mặt có thể đẩy tâm lý toàn cầu trở nên bi quan hơn, mặt khác có thể tạo ra một cú sốc cũng gây áp lực lạm phát chi phí đẩy, qua đó tác động tới mặt bằng lãi suất.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7450106295049062/?