Nhìn vào số liệu tổng hợp từ 27 ngân hàng thương mại trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) 6 quý gần nhất của các ngân hàng phần lớn có xu hướng giảm. Chỉ số ROA trung bình của 27 nhà băng đạt 1,24%, so với cuối năm ngoái giảm 0,25 điểm phần trăm.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong năm qua, dẫn đầu bảng xếp hạng 10 ngân hàng có chỉ số ROA lớn nhất vẫn là nhóm ngân hàng tư nhân. Trong đó, nắm giữ ba vị trí đầu tiên lần lượt là MB, ACB và Techcombank. Ngược chiều với ACB, so với hồi cuối năm 2022, chỉ số ROA của MB và Techcombank đều ghi nhận sự suy giảm.
Theo đó, đứng ở vị trí quán quân là ngân hàng MB với chỉ số ROA sau 4 quý kinh doanh đạt 2,52%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với hồi cuối năm 2022. Sát nút MB là ngân hàng ACB với ROA đạt 2,42%, tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Tính đến ngày 31/12/2023, chỉ số ROA của ngân hàng Techcombank đã giảm 0,87 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái (từ 3,22% xuống 2,35%), theo đó xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng. Vị trí thứ 4 thuộc về ngân hàng VIB với ROA đạt 2,28% (giảm đến 0,32 điểm phần trăm).
Lần lượt xếp ở vị trí thứ 5 và 6 là hai ngân hàng HDBank và MSB, đạt 2,03% và 1,94% ROA, tương ứng giảm 0,05 và 0,28 điểm phần trăm so với cuối năm trước. Tiếp đến là ngân hàng Ocean Bank với chỉ số ROA sau một năm kinh doanh đạt 1,93% (tăng 0,08 điểm phần trăm).
Mặc dù Vietcombank là quán quân về lợi nhuận, thế nhưng ROA của ngân hàng này chỉ xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng (đạt mức 1,81%). Mặc khác, hai đại diện còn lại trong nhóm “bộ tứ” ngân hàng quốc doanh là VietinBank và BIDV lại đứng ở vị trí thứ 17 và 18, với ROA lần lượt đạt 1,05% và 1%.
Hai cái tên trong còn lại trong Top 10 ngân hàng có chỉ số ROA lớn nhất trong năm 2023 lần lượt là LPBank và SeABank (đạt mức 1,57% và 1,48%). Trái với LPBank tăng 0,11 điểm phần trăm, chỉ số ROA của ngân hàng SeABank lại giảm 0,35 điểm phần trăm.
Có thể thấy, chỉ số ROA của nhiều nhà băng có xu hướng đi xuống khi tổng tài sản tiếp tục tăng trưởng, trong khi lợi nhuận sụt giảm. Theo khảo sát, so với thời điểm cuối quý 4/2022, có đến 16 trong 27 nhà băng niêm yết ghi nhận ROA đi xuống.
VPBank có mức sụt giảm sâu nhất khi giảm tới 1,86 điểm phần trăm (xuống còn 1,19%). Ngoài Top 10 nêu trên, hàng loạt ngân hàng cũng ghi nhận sự sụt giảm về con số phần trăm ROA như ABBank (giảm 0,77 điểm phần trăm); TPBank (giảm 0,71 điểm phần trăm); Eximbank (giảm 0,56 điểm phần trăm); BVBank (giảm 0,4 điểm phần trăm); PGBank (giảm 0,38 điểm phần trăm); SHB (giảm 0,2 điểm phần trăm); VietABank (giảm 0,16 điểm phần trăm); Bac A Bank (giảm 0,08 điểm phần trăm).
Ở chiều ngược lại, ROA của Nam A Bank, Sacombank và Saigonbank lần lượt tăng 0,26 điểm phần trăm, 0,31 và 0,17 điểm phần trăm. Tương tự, KienglongBank và VietBank cũng tăng nhẹ 0,02 – 0,03 điểm phần trăm ROA, lần lượt đạt 0,66% và 0,52%.
Nhiều nhà băng thận trọng với chỉ tiêu năm 2024
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý 1/2024 và cả năm 2024, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn, nhưng so với tình hình kinh doanh lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn. Chính vì thế, nhiều ngân hàng vẫn thận trọng khi xây dựng kế hoạch năm 2024, đồng thời bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng sẽ khởi sắc, bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đi lên, biên lãi ròng (NIM) tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.
Bên cạnh đó, Mirae Asset cũng đưa ra nhận định mức tăng trưởng tín dụng cao vào quý 4/2023 có thể không được chuyển hóa ngay vào lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng, tuy nhiên sẽ góp phần vào lợi nhuận của năm 2024.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7445071622219196/?