Tạ Nhị ·
2 năm trước
 5229

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 26/7

Cảnh nhếch nhác, hoang tàn ở những khu biệt thự 'triệu đô' phía Tây Hà Nội; Giới đầu tư bất động sản đang “run tay”?; Giá bất động sản neo cao còn thanh khoản lại lao dốc… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Cảnh nhếch nhác, hoang tàn ở những khu biệt thự 'triệu đô' phía Tây Hà Nội

Hàng loạt khu biệt thự, nhà liền kề có giá triệu đô bị cỏ mọc um tùm, cảnh nhếch nhác, xuống cấp theo thời gian tại các khu đô thị, khu nhà ở phía Tây Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, do người mua phần nhiều là nhà đầu tư lướt sóng, nên mới có tình trạng dự án bán hết cho khách hàng nhưng bị bỏ hoang.

(Ảnh: Cafef)

Nhiều khu đô thị với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng liên tiếp ra đời ở khắp các khu vực đắc địa tại Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh những khu đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn, trang hoàng cho bộ mặt thành phố, thì vẫn còn không ít khu đô thị có tỷ lệ biệt thự bỏ hoang nhiều và xuống cấp theo thời gian, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội.

Ghi nhận thực tế, hàng loạt biệt thự, liền kề tại Khu đô thị mới Vân Canh (Hoài Đức) nhiều năm qua đã bỏ hoang, cỏ dại che hết lối vào nhà. Mặc dù liên tục được rao bán, nhưng các căn biệt thự này vẫn chưa có chủ.

Do thời gian dài không có người sinh sống, tu bổ, nên nhiều hạng mục như bờ tường, bậc tam cấp của biệt thự đã ngả nghiêng, nứt toác, sụt lún, gây nguy hiểm cho người ra vào.

Giới đầu tư bất động sản đang “run tay”?

Theo chuyên gia, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.

Mấy năm trở lại đây, thị trường nhà đất tại các huyện ven trung tâm Hà Nội liên tục ghi nhận những đợt "sốt nóng" bởi thông tin quy hoạch phát triển hạ tầng để đưa huyện trở thành đơn vị hành chính cấp quận. Thực trạng này đã khiến giá đất liên tục tăng, xác lập mặt bằng giá mới.

(Ảnh minh họa)

Đơn cử, tại huyện Đông Anh, trong đợt "sốt" cuối quý I/2021 khi có thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng, giá nhà đất tại một số khu vực xã: Kim Chung, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc, Hải Bối tăng 2 lần so với thời điểm cuối năm trước đó. Tiếp đà tăng giá trên, đến hết quý I năm nay, thị trường nhà đất khu vực này lại ghi nhận tăng thêm 20-30% so với thời điểm cách đây 1 năm.

Thanh khoản bất động sản giảm trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục hạn chế và giá tăng cao. (Ảnh: T.K).

Cụ thể, tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm ngoái giá đất là 30 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 35-40 triệu đồng/m2; xã Cổ Loa tăng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2; xã Đông Hội tăng 26% lên xấp xỉ 40 triệu đồng/m2... Tuy nhiên, từ đầu quý II năm nay đến nay, thị trường nhà đất ở những khu vực này ít được giao dịch và rơi cảnh trầm lắng.

Khảo sát tại một số kênh rao bán nhà đất, nếu như vào thời điểm đỉnh "sốt đất" hồi cuối tháng 3/2021, đất nền dự án trên địa bàn huyện Đông Anh giá trung bình 50-80 triệu đồng/m2, đến nay vẫn được giữ nguyên nhưng gần như không có giao dịch. 

Giá bất động sản neo cao còn thanh khoản lại lao dốc

SSI Research vừa công bố báo cáo cập nhật ngành bất động sản với chủ đề "Hạ nhiệt trước nhiều thách thức". Báo cáo đưa ra một số nhận định đáng chú ý.

Theo nhóm chuyên gia, thanh khoản bất động sản giảm trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục hạn chế và giá tăng cao.

Cụ thể, do việc sửa đổi Luật đất đai vẫn còn đang trong quá trình cân nhắc và có thêm nhiều quy định đặt ra cho việc phát hành trái phiếu của chủ đầu tư nên công ty chứng khoán này cho rằng nguồn cung mới sẽ tiếp tục bị hạn chế, rất ít sản phẩm mới được tung ra thị trường.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới giảm 59% so với cùng kỳ. Do thiếu hụt nguồn cung mới, giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm sút với số lượng giao dịch trong quý I năm nay ghi nhận ở mức 20.325 giao dịch (tương đương giảm 20% so với cùng kỳ).

Còn theo thống kê của CBRE Việt Nam, số căn hộ chào bán tại thị trường Hà Nội trong quý I năm nay chỉ đạt 3.525 căn, giảm 34% so với cùng kỳ do dịch Covid-19 bùng phát đạt đỉnh vào tháng 2 và tháng 3.

Phân khúc trung cấp tiếp tục chiếm ưu thế với 66% trong tổng nguồn cung, theo sau là phân khúc cao cấp (29%) trong khi phân khúc bình dân không có nguồn cung mới trong quý này. Phần lớn nguồn cung thị trường đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các khu đô thị hiện hữu ở phía Đông và Tây Hà Nội.

Trong quý I, số căn hộ bán được vượt quá số lượng mở bán mới trong bối cảnh nguồn cung mới hạn chế, cho thấy nhu cầu chung cư ở thị trường này tương đối ổn định. Tổng cộng có khoảng 4.800 căn được bán trong quý, trong đó, phân khúc trung cấp chiếm 70%. Giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội trung bình đạt 1.655 USD/m2 (khoảng 38 triệu đồng/m2) trong quý I, tăng 13% so với cùng kỳ.

Nhà liền thổ khu Đông TP.HCM hút nhà đầu tư

nhà liền thổ tại những khu đô thị ven sông được quy hoạch bài bản và hoàn chỉnh có nhiều lợi thế hút giới đầu tư.

Thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM. (Ảnh: Gia Minh)

Báo cáo mới đây của DKRA Vietnam chỉ ra trong 6 tháng đầu năm 2022, các khu đô thị lớn, quy hoạch bài bản, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khả quan. Nguồn cung nhà phố, biệt thự có xu hướng dịch chuyển về các tỉnh lân cận như Đồng Nai và Long An... nơi quỹ đất còn nhiều, hạ tầng dần hoàn thiện và quy hoạch giao thông liên tỉnh được triển khai.

Giá bán sơ cấp phân khúc này ngày càng tăng, thị trường TP.HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mứ giá bán lên đến 700 tỷ đồng một căn. Đồng Nai cũng ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỷ đồng một căn.

Ngoài ra, sân bay quốc tế Long Thành được giới chuyên gia nhận định sẽ là cú hích cực lớn cho phía Đông. Khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, sân bay Long Thành được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và giao thương liên vùng, đồng thời tạo động lực hình thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm mua sắm, du lịch, giải trí liền kề.

Ngoài ra, sân bay quốc tế Long Thành được giới chuyên gia nhận định sẽ là cú hích cực lớn cho phía Đông. Khi hoàn thiện và đi vào hoạt động, sân bay Long Thành được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hành khách và giao thương liên vùng, đồng thời tạo động lực hình thành các khu đô thị hiện đại, trung tâm mua sắm, du lịch, giải trí liền kề.

Nguồn: Kinh tế Môi trường