Song Vũ ·
1 năm trước
 2838

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/7

TP.HCM muốn đấu giá cho thuê hơn 1.400 nhà đất công đang chờ xử lý; Nhà cao cấp chiếm hơn 80% thị trường; Nhà đầu tư bất động sản “đỏ mắt” tìm kiếm thị trường mới… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

TP.HCM muốn đấu giá cho thuê hơn 1.400 nhà đất công đang chờ xử lý

Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo TP.HCM sáng nay (27/7), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, thực trạng quản lý nhà đất công theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công đang tạo ra sự lãng phí khi không khai thác được giá trị của tài sản công, đồng thời ngân sách còn tiêu tốn thêm chi phí thuê bảo vệ, bảo trì, sửa chữa hàng năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM 27/7. (Ảnh: TTBC TP.HCM).

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. TP.HCM mong muốn được Bộ Tài chính hướng dẫn công tác tổ chức đấu giá, phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản nêu trên.

Theo ông Phan Văn Mãi, việc quản lý nhà đất theo Nghị định 167 thì lãng phí ngân sách (không khai thác được) và phải bỏ tiền ra để bảo vệ. Bây giờ có khoảng 1.400 cơ sở nhà đất thì xin thí điểm đấu cho thuê quyền sử dụng tài sản, hướng dẫn phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản nêu trên.

Hiện nay, TP.HCM đang áp dụng mô hình quản lý tập trung một đầu mối quỹ nhà, đất thuộc đối tượng phải sắp xếp xử lý theo Nghị định 167 trong thời gian chờ phương án sắp xếp. Tuy nhiên, hình thức cho thuê tài sản công quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP chỉ áp dụng cho tài sản được giao quyền sử dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở hoạt động sự nghiệp mà chưa quy định việc cho thuê tài sản được giao quản lý giữ hộ.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận sử dụng các khu đất nêu trên để thanh toán cho nhà đầu tư. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng, TP.HCM sẽ sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá trị trường theo đúng quy định.

Nhà cao cấp chiếm hơn 80% thị trường

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa trình Chính phủ bản kiến nghị các giải pháp phát triển thị trường bất động sản bền vững, trong đó đề cập đến tình trạng nhà cao cấp đang phủ sóng toàn bộ thị trường bất động sản thành phố. Ngược lại, nhà bình dân, giá rẻ, phục vụ nhu cầu an cư cho người có thu nhập thấp không có trong rổ hàng.

Thị trường bất động sản quận 7, thuộc khu Nam Sài Gòn. (Ảnh: Quỳnh Trần)

HoREA dẫn nguồn báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 của Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết nửa năm qua, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 17 dự án với tổng số 9.456 căn nhà, trong đó chung cư đạt 8.937 căn, còn lại là nhà thấp tầng.

Phân khúc cao cấp đạt 7.577 căn, chiếm 80,13% còn phân khúc trung cấp ghi nhận 1.879 căn, chiếm gần 20%. Riêng loại nhà ở thuộc phân khúc bình dân không có căn nào đưa ra thị trường, chiếm 0%. So với cùng kỳ năm 2021, số nhà ở đủ điều kiện huy động vốn tăng gần 47%, phân khúc căn hộ cao cấp tăng hơn 111%, căn hộ trung cấp giảm khoảng 34%.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP.HCM, với nguồn cung phát triển lệch về nhà cao cấp, đây là dấu hiệu của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Để thị trường này tiếp tục phát triển cân bằng, phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền phục vụ đại bộ phận người dân phải giữ ở tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc cao cấp chỉ nên chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận, tình trạng thiếu hụt nhà ở bình dân đã và đang diễn ra ngày càng trầm trọng trong nửa thập niên trở lại đây. Một bức tranh tương phản rõ rệt, từ năm 2017 đến nay, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo thị trường TP.HCM.

Nhà đầu tư bất động sản “đỏ mắt” tìm kiếm thị trường mới

Có thể nói, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước và trở thành động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản trong những năm gần đây đang gặp những vấn đề khó khăn và bắt đầu có dấu hiệu “chững lại”.

Thị trường bất động sản trong những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại và không còn tình trạng sốt đất như trước. (Ảnh: Baoxaydung)

Nguyên nhân dẫn của vấn đề này có thể đến từ những vướng mắc pháp lý và kiểm soát tín dụng, trái phiếu bất động sản. Việc Nhà nước kiểm soát nguồn vốn ngân hàng thương mại đưa vào thị trường bất động sản; thị trường bất động sản không ổn định nhưng giá vẫn tăng; lãi suất cho vay tăng 2% khiến cho các nhà đầu tư rơi vào tình trạng kẹt vốn và giảm niềm tin vào giá của các loại hình bất động sản mới.

Đặc biệt, vào năm 2018-2019, thị trường bất động sản liên tục dính vào các vấn đề liên quan đến lừa đảo, phân lô trái phép, lập dự án ma,… điều này khiến cho khách hàng và nhà đầu tư lo lắng, hạn chế đổ tiền vào. Năm 2019 cũng là năm chứng kiến sự giảm tốc của thị trường bất động sản khi nguồn cung và lượng giao dịch sụt giảm mạnh.

Đến năm 2020, thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với những vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết, tín dụng bất động sản ngày càng thắt chặt và khả năng tiếp cận đất đai của khách hàng cũng trở nên hạn chế.

Trước thực trạng này, nếu không có giải pháp kịp thời thì những hệ luỵ đến thị trường và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế sẽ là rất lớn bởi mối liên kết, liên thông giữa thị trường BĐS và thị trường tài chính, chứng khoán là điều mà ai cũng có thể thấy rõ.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa chính thức được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: baoxaydung)

Để bảo đảm việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đăng tải công khai dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả...

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai; là cơ sở để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của các bên liên quan, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi. Việc đăng ký đất đai lần đầu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đạt tỷ lệ cao. Cơ sở dữ liệu về đất đai bước đầu được quan tâm xây dựng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai có chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai được xử lý nghiêm minh.

Nguồn: kinh tế Môi trường