Vi Trinh ·
2 năm trước
 2573

Điện Biên: Đình chỉ chủ tịch xã để rừng phòng hộ bị chặt hạ trên đèo Pha Đin

Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo bị đình chỉ công tác 15 ngày để làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng thông trái quy định trên địa bàn.

Liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ trên đèo Pha Đin, UBND huyện Tuần Giáo vừa ban hành Quyết định số 1613 ngày 22/7, tạm đình chỉ công tác đối với ông Lầu A Dùa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Lầu A Dùa bị định chỉ do để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trái quy định tại khu vực bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Thời gian tạm đình chỉ công tác là 15 ngày, kể từ ngày 23/7 đến hết ngày 6/8.

phá rừng phòng hộ

Hiện trường vụ khai thác gỗ. (ảnh VOV)

UBND huyện Tuần Giáo yêu cầu UBND xã Tỏa Tình khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan (chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân) để xảy ra tình trạng khai thác rừng thông trên địa bàn xã...

Trước đó như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin, tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin có tình trạng thác rừng thông ồ ạt trên một phần diện tích lớn.

Theo hiện trạng phản ánh, hoạt động khai thác gỗ thông này đã diễn ra được một thời gian. Những khoanh rừng thông bị chặt hạ khá nhiều, gỗ thông dài 3 đến 4 m có đường kính 40 – 50 cm được xếp thành nhiều khối.

Để phục vụ việc vận chuyển gỗ, hàng loạt con đường tự tạo được đào xới lưng chừng núi, tác động xấu tới môi trường.

Chiều 14/7, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, phía UBND huyện đã nắm được thông tin về vụ việc người dân khai thác gỗ thông tại khu vực đèo Pha Đin. UBND huyện đang vào cuộc xác minh điều tra.

“Vào đầu tuần, lãnh đạo UBND huyện, cụ thể là đồng chí Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng nông nghiệp cùng đoàn đã đi kiểm tra việc này. Phía UBND huyện đang thực hiện việc kiểm đếm nên chưa có kết quả… Khi nào có sẽ thông tin tới cơ quan báo chí”, ông Đức nói.

Ông Đức chia sẻ thêm, phần diện tích rừng bị khai thác trước đây thuộc rừng sản xuất của các hộ gia đình. Năm 2019 theo quy hoạch được chuyển đổi sang rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo quy định, các hộ dân có thể khai thác 20% số cây rừng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải vào cuộc xác định xem các hộ khai thác số lượng gỗ rừng ra sao, có vượt quá quy định hay không. Từ đó làm căn cứ xử lý.

“Quan điểm của UBND huyện là sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác vận chuyển gỗ rừng trái phép”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm Trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…

Nguồn