Nguồn tin từ phóng viên TTXVN tại Jakarta, Thứ trưởng phụ trách điều phối quản lý môi trường và lâm nghiệp của bộ trên, bà Nani Hendiarti cho rằng, diễn đàn sẽ mở ra nhiều cơ hội để giải quyết các vấn đề về nước tại Indonesia.
Thứ trưởng còn thông tin thêm, cần thêm nguồn vốn khoảng 1.700 tỷ USD để thực hiện mục tiêu tiếp cận nước uống an toàn, công bằng và giá cả phải chăng cho mọi tầng lớp trong xã hội vào năm 2030.
WWF lần thứ 10 dự kiến diễn ra từ ngày 18-24/5/2024 với chủ đề “Nước cho thịnh vượng chung. Diễn đàn sẽ tập trung vào các cuộc họp kinh doanh của các đối tác chiến lược để thảo luận về tiềm năng hợp tác và đầu tư liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng nước.
Đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề hàng đầu của nhiều quốc gia.
Ngoài ra diễn đàn còn đề cập đến vấn đề an ninh nguồn nước và thịnh vượng; giảm thiểu và quản lý rủi ro thiên tai; nước cho con người và thiên nhiên; quản trị, hợp tác và ngoại giao thủy điện; tài chính nước bền vững; kiến thức và sự đổi mới.
Được biết, Diễn đàn nước thế giới, sự kiện quốc tế lớn nhất về nước và các vấn đề liên quan diễn ra 3 năm một lần, lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia ở vùng hạ Sahara châu Phi, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng thiếu nước.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm 2020, hơn 2 tỷ người trên thế giới sinh sống trong điều kiện không đủ nước uống trong nhà, 771 triệu người phải di chuyển quãng đường ít nhất 30 phút xa nhà để có nguồn nước sạch và hơn 100 triệu người đang sử dụng nguồn nước uống trực tiếp chưa qua xử lý, nước chất lượng không đảm bảo.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết có khoảng 2,3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia nguy cơ thiếu nước thường trực, với hơn 733 triệu người (10% dân số thế giới) sống ở các nước có nguy cơ ở mức cao và đặc biệt cao. Dân số thế giới tăng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn dẫn tới tình trạng khan hiếm nước và các xung đột vì tranh chấp nguồn nước.
Do đó, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là cải thiện chất lượng nước và giảm thiểu ô nhiễm, loại bỏ việc đưa các chất hóa học và vật liệu độc hại ra môi trường, giảm một nửa tỷ lệ nước thải chưa được xử lý và tăng cường tái chế và tái sử dụng an toàn trên toàn cầu. Đồng thời, đảm bảo cung cấp nước sạch đến những vùng khan hiếm nước và giảm đáng kể số người thiếu nước sử dụng.
Dự kiến WWF lần thứ 10 có sự xuất hiện của 33 nguyên thủ quốc gia, 190 bộ trưởng từ 180 quốc gia và đại diện từ 250 tổ chức. Khoảng 30.000 người cùng tham dự 214 phiên họp diễn đàn.