Theo Công văn, Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương treo pano, băng rôn, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp, lựa chọn, sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền, truyền thông phù hợp.
Cùng với đó, tổ chức các tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức trực tuyến, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng phát sóng các nội dung về tầm quan trọng của tài nguyên nước, thời tiết, khí hậu, dự báo, cảnh báo sớm, dự báo tác động, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ngày Nước thế giới 22/3/2023 được phát động với chủ đề “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi”.
Ngày Nước thế giới 22/3/2023 được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi”. Sự kiện này nhằm nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu.
Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.
Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2023 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “The Future of Weather, Climate and Water across Generations”. Chủ đề tuyên truyền của Việt Nam là: “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”.
Theo đó, thông điệp này khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội đồng thời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2023 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “The Future of Weather, Climate and Water across Generations”.
Với chủ đề “The Biggest Hour for Earth” –“Thời khắc quan trọng cho Trái đất”, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 được phát động nhằm nhấn mạnh đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi, thúc đẩy mạnh mẽ hơn để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học.
Đồng thời, kêu gọi toàn thể cá nhân, cộng đồng cùng hành động để thích nghi và thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thập kỷ này, chống lại tình trạng suy giảm môi trường sống. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng cường sức khỏe, sự đa dạng phong phú của các loài, quần thể và hệ sinh thái. Đồng thời, đây cũng là thời điểm thực hiện hóa các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 27 (COP27), sử dụng năng lượng bền vững và hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo.
Nhằm hưởng ứng các hoạt động tại Chiến dịch Giờ Trái đất 2023, Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng hưởng ứng và thực hiện hành động “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/3/2023 (Thứ Bảy). Đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình. Từ đó cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang Năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, phát động tuyên truyền, truyền thông về thực hiện lối sống xanh, lành mạnh, nói không với việc tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trái phép. Vận động các cơ sở giáo dục, trường học xây dựng các tiết học giáo dục môi trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phát động phong trào thi đua hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.
Theo kế hoạch, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư, khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu; thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao; Tăng cường nâng cao nhận thức và hành động thiết thực của cộng đồng trong xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.