Ngọc Lan ·
19 tuần trước
 6962

Điều hướng quá trình chuyển đổi sang Net Zero ở Việt Nam (Bài 3): Tài chính xanh, năng lượng xanh

Để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong vấn đề tài chính xanh và hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải.

Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết với thế giới về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Đây không chỉ là quyết tâm vì lợi ích quốc gia mà còn là mục tiêu phát triển tất yếu của giới, đồng thời cũng là luật chơi mới về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, việc "nhập cuộc" chuyển đổi như thế nào để đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 không phải điều dễ dàng. Bên cạnh những thách thức trong vấn đề năng lượng, thị trường carbon, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề tài chính.

Hướng đến mục tiêu tài chính xanh

Từ sau COP26, Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định việc triển khai tích cực, hiệu quả Tuyên bố hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuyên bố JETP là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy, sau hơn một năm đàm phán.

Theo đó, các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ đô la Mỹ trong vòng ba đến năm năm tới  thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, góp phần bảo đảm tương lai thịnh vượng cho mọi người dân, tăng trưởng kinh tế, tự chủ và an ninh năng lượng của Việt Nam. 

Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác Quốc tế (IPG) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.

Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu, hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một quan hệ đối tác dài hạn, đầy tham vọng nhằm hỗ trợ phát triển bền vững và giảm phát thải, cũng như hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và phi carbon hóa hệ thống điện, đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang tương lai phát thải ròng bằng 0.

Tháng 7/2023, ASEAN đã hoàn tất việc xây dựng Phiên bản 3 cho Bộ Phân loại ASEAN cho Tài chính Bên vững (ASEAN Taxonomy). Việt Nam cũng trở thành thành viên của ASEAN Taxonomy với đại diện là Ủy ban Chứng khoán nhà nước Việt Nam, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Việt Nam. ASEAN Taxonomy thể hiện cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN trong việc chuyển đổi hướng tới một khu vực phát triển bền vững. ASEAN Taxonomy được thiết kế để trở thành một hệ thống phân loại toàn diện và đáng tin cậy cho các hoạt động bền vững và sẽ là một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực. 

ASEAN Taxonomy Board đã công bố phiên bản thứ hai của Taxonomy for Sustainable Finance vào đầu năm 2023, sau các cuộc tham vấn. Phiên bản này cung cấp lộ trình để các quốc gia thành viên tuân theo, cung cấp cho các nhà đầu tư hướng dẫn quan trọng về việc thu hút tài chính bền vững để đạt được các mục tiêu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đối với Việt Nam, mục tiêu tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo Chowdhury và cộng sự (2013), tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa. 

Trong đó, chương trình phát triển ngân hàng xanh là một trong những mục tiêu hàng đầu và đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai vào năm 2018 nhằm thúc đẩy triển khai tài chính xanh. Thuật ngữ ngân hàng xanh được hiểu như thực hiện các hoạt động trực tiếp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường như sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, xử lý rác thải. Đồng thời, ngân hàng cũng tác động gián tiếp đến môi trường thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường như: Nhà máy sử dụng khí đốt từ chất thải, nhà máy cung cấp năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời, nhà máy chế tạo phân sinh học…

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam đang tích cực triển khai lộ trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút tốt hơn nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh; khuyến khích sản xuất và đầu tư xanh. 

Chuyển đổi năng lượng xanh

Việt Nam có kế hoạch hành động phát triển ngành vận tải xanh vào năm 2050. Kế hoạch này bao gồm phát triển các phương thức vận tải, cơ sở vật chất, thiết bị và cơ sở hạ tầng được vận hành 100% bằng điện hoặc năng lượng xanh.

Theo quyết định 876/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030 đặt ra các mục tiêu cụ thể cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, vận tải biển, hàng không và giao thông đô thị. Trong đó, nhấn mạnh tới mục tiêu của Chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. 

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ "từ năm 2025 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh". (Nguồn: Internet)

Chương trình đặt mục tiêu từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, thị trường xe điện (EV) ở Việt Nam sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới. Hiện nay, thị trường xe điện của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, doanh số bán xe điện dự kiến ​​sẽ tăng từ vài nghìn xe vào năm 2022 lên 1 triệu xe vào năm 2028, đạt  3,5 triệu xe vào năm 2040. Dự kiến ​​tăng trưởng do, một là các ưu đãi của Chính phủ bao gồm giảm thuế nhập khẩu và giảm một phần phí đăng ký cho chủ sở hữu xe điện. Hai là phát triển cơ sở hạ tầng sạc và cải tiến trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng xe điện, theo chương trình hành động giao thông.