Theo đó, CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã: SMC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023. Trong đó, doanh thu thuần đạt 3.291 tỷ đồng (giảm 1 nửa so với cùng kỳ). Kinh doanh dưới giá vốn, SMC lỗ gộp 87 tỷ đồng, trong khi đó trong quý 2/2022 lãi gộp là 211 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên 214 tỷ đồng, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ, nguyên nhân là do dự phòng phải thu khó đòi tăng 181 tỷ đồng.
Trong quý 2, SMC báo lỗ sau thuế 414 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 45 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 392 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.178 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước) và lỗ sau thuế 393 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi gần 126 tỷ đồng. Sau khoản lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế hơn 27 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cho biết, tình hình vĩ mô thế giới và ngành thép còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Kinh tế Trung Quốc chưa hồi phục tích cực làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thép, khiến cho giá thép liên tục giảm và duy trì ở mức thấp. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc phải trích lập các khoản dự phòng cũng khiến SMC lỗ.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
SMC tại cuối quý 2 đang trích lập dự phòng 231 tỷ đồng cho khoản phải thu 1.284 tỷ đồng bao gồm: TNHH Delta - Valley Bình Thuận phải thu 441 tỷ trích lập 71 tỷ, TNHH BĐS Đà Lạt Valley phải thu 169 tỷ trích lập 22 tỷ, TNHH The Forest City phải thu 132 tỷ trích lập 19 tỷ, Hưng Thịnh Incons phải thu 63 tỷ trích lập 23 tỷ và các đối tượng khác phải thu 480 tỷ trích lập 97 tỷ.
Theo đó, các công ty con của Novaland là TNHH Delta - Valley Bình Thuận, TNHH BĐS Đà Lạt Valley và TNHH The Forest City. TNHH BĐS Đà Lạt Valley là chủ đầu tư dự án Aqua Waterfront City, TNHH Delta - Valley Bình Thuận là chủ đầu tư dự án NovaWorld Phan Thiết và The Forest City là chủ đầu tư dự án NovaWorld Hồ Tràm – The Tropicana.
Giá thép hạ, sản lượng sản xuất và bán hàng suy giảm
Giá thép các loại ở Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục phải điều chỉnh mức giá theo hướng giảm. Các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam hơn 6 tháng qua đã điều chỉnh giá bán thép khoảng 15 lần (lần gần nhất là ngày 22/7 vừa qua). Giá thép xây dựng cách đây hơn 1 năm neo ở mức rất cao (khoảng gần 20.000 đồng/kg), thì hiện nay, sau khi liên tục điều chỉnh, giá loại thép này chỉ còn khoảng 13.600 - 14.100 đồng/kg, tùy loại. Mức giá này tương đương với giá cách đây khoảng hơn 3 năm về trước.
Không những thế, sản lượng sản xuất và sản lượng bán các loại thép trong nước cũng đang trên đà suy giảm. Theo đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) cho hay, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 13,103 triệu tấn (giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022). Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 12,481 triệu tấn (giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022).
So với thép sản xuất ở Việt Nam, giá thép Trung Quốc nhập khẩu có giá rất cạnh tranh. Điều này khiến các DN thép Việt Nam tuy đã giảm giá nhiều lần thế nhưng đến nay vẫn chưa thể cạnh tranh với sản phẩm thép nước bạn.
Nhìn vào số liệu của VSA cho thấy, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay tăng rất mạnh với 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% sản lượng thép nhập khẩu.
Lý giải nguyên nhân thép Trung Quốc thời gian qua nhập khẩu lớn vào Việt Nam, VAS cho hay, thị trường bất động sản Trung Quốc đang ảm đạm đã khiến thép Trung Quốc tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu sản xuất thép trên thế giới suy giảm nên giá thép giảm theo. Chính vì vậy, nhiều DN thép Trung Quốc đã giảm giá thép để xuất khẩu và Việt Nam là một trong những thị trường “béo bở” cho thép Trung Quốc xâm chiếm.
Trong một diễn biến khác, việc trong thời gian qua giá thép giảm sâu cũng khiến nhiều DN ngành xây dựng “thở phào”. Họ từng thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản cách đây khoảng một năm khi giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác neo ở mức giá rất cao.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6685968624796170/?