Huyền My ·
2 năm trước
 3628

Doanh nghiệp cần nắm vững quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán”, đôi bên cùng có lợi.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường đã chia sẻ về khung pháp lý hiện hành quy định về thị trường carbon tại Việt Nam, cũng như đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp thích ứng với thị trường này. Đó là thông tin tại Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 11/10, tại Hà Nội.

Cần nắm vững quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường chỉ rõ, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của T&T Group - Doanh nghiệp có năng lực đủ khả năng đầu tư vào lĩnh vực. (Ảnh: Hoàng Anh)

Ông Chinh đề xuất: “Khi tham gia vào thị trường carbon không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận” - Vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các doanh nghiệp từ Nhà nước.

“Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon. Từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực, khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, để có thể thích ứng và tham gia hiệu quả vào thị trường carbon, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon, nhằm chủ động cân đối năng lực và khả năng sẵn sàng tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Cụ thể, khung pháp lý hiện nay quy định về lĩnh vực này bao gồm các văn bản pháp lý sau:

Trước hết, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 là văn bản pháp lý cao nhất quy định về thị trường carbon. Trong đó, Điều 139 quy định chi tiết về tổ chức và phát triển thị trường carbon nêu rõ: Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường đã chia sẻ về khung pháp lý hiện hành quy định về thị trường carbon tại Việt Nam tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Diệu)

Theo Điều 91, Luật Bảo vệ môi trường, các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3).

Về vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 91 cũng quy định tổ chức thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính theo lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế; kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành, lĩnh vực và cấp cơ sở có liên quan; kiểm tra việc tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc thực hiện cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, Điều 91, Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định việc xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước.

Song song với Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 07/01/2022 quy định chi tiết về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Cụ thể, theo Điều 17, Nghị định số 06/2022, trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Điều 17, Nghị định số 06/2022 cũng quy định việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt đầu từ năm 2025.

Đối với giai đoạn từ năm 2028, thực hiện tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; đồng thời triển khai việc quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Như vậy, theo ông Chinh, lộ trình quy định thời điểm triển khai thị trường carbon đã rất rõ ràng. Từ năm 2025 bắt đầu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 chính thức vận hành thị trường này. Các doanh nghiệp cần lưu tâm tới lộ trình này để có chiến lược và kế hoạch thích ứng kịp thời.

Về phía cơ quan quản lý, cần sớm hoàn thiện hệ thống khung pháp lý nhằm đảm bảo khi thị trường carbon ra đời vừa đảm bảo không chồng chéo với các văn bản quy định pháp lý hiện hành khác, đồng thời phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Doanh nghiệp chủ động thích ứng với thị trường carbon

Để phát triển thị trường carbon và có sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đưa ra 5 kiến nghị cụ thể.

Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường carbon. Theo quy định của pháp luật, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì thành lập thị trường carbon ở Việt Nam, do đó, cần sớm xây dựng đề án thành lập thị trường carbon trình Thủ tướng Chính phủ, để chuẩn bị đến năm 2025 sàn giao dịch tín chỉ carbon tiến hành vận hành thí điểm.

Thứ hai, về vai trò chủ động của doanh nghiệp, nếu họ sản xuất dẫn đến phát thải khí nhà kính, thì cần chủ động xác định lượng phát thải. Còn đối với doanh nghiệp trung gian kinh doanh thông qua dịch vụ thị trường tín chỉ carbon cần có sự chủ động chuẩn bị tìm hiểu thị trường, dự báo khả năng thị trường, nguồn lực đầu tư và hạ tầng kỹ thuật tham gia thị trường.

Thứ ba, cần có sự vào cuộc các bên liên quan. Để vận hành được thị trường carbon và có sự chủ động tham gia của doanh nghiệp một cách tích cực, hiệu quả, rất cần các cơ quan có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp như: các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... chủ động giúp đỡ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về thị trường carbon, kết nối doanh nghiệp...

Thứ tư, về công tác truyền thông, thực tiễn cho thấy khi việc này được triển khai tốt, thì sẽ giúp nhận thức của doanh nghiệp về thị trường carbon được tiến hành thuận lợi, ngược lại truyền thông không tốt thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, không thể thiếu sự vào cuộc của chính quyền. Với vai trò như bà đỡ cho doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế, chính sách đến hỗ trợ về hạ tầng và công tác hành chính, sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tham gia tốt nhất thị trường này.

Ông Chinh cho biết: Thực tế cho thấy, việc phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, giúp họ có thể phát triển và vận hành hiệu quả trong thị trường này. “Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường này, từ đó chủ động trong việc cân đối năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, đặc biệt là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các doanh nghiệp từ Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp có thể “giao dịch” dưới dạng trao đổi mua đi bán lại các giấy phép này để mua bán hạn ngạch xả thải.

Ông Chinh cho biết: “Doanh nghiệp thừa giấy phép so với quyền phát thải theo hạn ngạch sẽ bán giấy phép xả thải, ngược lại doanh nghiệp thiếu giấy phép so với quyền phát thải theo hạn ngạch sẽ mua giấy phép xả thải. Việc thừa hay thiếu giấy phép xả thải theo quy định hạn ngạch phụ thuộc cơ bản vào chi phí cận biên giảm thải của doanh nghiệp (MAC). Do đó, thị trường carbon cơ bản vận hành dựa trên nguyên tắc cung - cầu và các dịch vụ kèm theo”.