Kim Chi ·
1 năm trước
 6591

Doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trên "sân nhà"

Hiện nhiều doanh nghiệp đang tìm cách để đẩy mạnh bán trong nước.

Thị trường thế giới bất ổn và dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong năm nay khiến đơn hàng và giá bán các mặt hàng chế biến, chế tạo sụt giảm, ảnh hưởng tới tăng trưởng lĩnh vực này. Để vượt khó, phát triển bền vững, công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Bên cạnh việc gắn với chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, ngành này cũng phải hình thành được chuỗi cung ứng trong nước, quan tâm hơn tới thị trường nội địa.

Dệt may, da giày là ngành tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Thị trường khó khăn, các doanh nghiệp đang phải xoay sở để duy trì việc làm, giữ chân công nhân. Như Công ty May 10, doanh thu hàng năm vốn chủ yếu là từ xuất khẩu nhưng năm nay xuất khẩu có thể sẽ giảm tới 30% về đơn hàng, giảm gần 15% về giá bán. Doanh nghiệp vì thế đang tìm cách để đẩy mạnh bán trong nước.

Thị trường khó khăn, các doanh nghiệp đang phải xoay sở để duy trì việc làm, giữ chân công nhân. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ngay lập tức chuyển từ xuất khẩu sang kinh doanh trên sân nhà, nhất là những doanh nghiệp vốn chỉ quen gia công hàng hoá thương hiệu nước ngoài.

Bộ Công Thương cho biết, hiện đang có những chương trình rất cụ thể để hỗ trợ những doanh nghiệp này, từ định hướng, kết nối thị trường tới đào tạo thiết kế sản phẩm. Bên cạnh đó, việc đây mạnh giao thương nội khối, giữa các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước với nhau cũng sẽ là một cơ hội lớn.

Khảo sát của Bộ Công Thương cũng cho thấy, dung lượng của thị trường trong nước là rất lớn cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cho biết đang rất cần những chính sách hỗ trợ về vốn và kích cầu tiêu dùng để vượt khó khăn hiện nay.