LH ·
1 năm trước
 3797

Doanh nghiệp phải đóng tiền thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải khi nào?

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế thì phải có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) gồm 02 trách nhiệm cụ thể: trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54) và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).

Đối với trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, doanh nghiệp có lộ trình thực hiện, cụ thể một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024 và một số sản phẩm sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2025 hoặc từ 1/1/2027. Riêng đối với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải thì không quy định lộ trình và doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm này kể từ ngày 01/01/2022.

Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý sau tiêu dùng thì phải có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.

Doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định 13 nhóm sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật; kẹo cao su; pin sử dụng một lần; tã, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt; đồ nhựa dùng một lần; một số sản phẩm dùng một lần có thành phần nhựa tổng hợp; đồ nội thất có thành phần nhựa tổng hợp; đồ chơi trẻ em có thành phần nhựa tổng hợp; quần áo, phụ kiện có thành phần nhựa tổng hợp; đồ da, giày giéo có thành phần nhựa tổng hợp; túi ni lông khó phân hủy kích thước nhỏ.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 83 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định nhà sản xuất, nhập khẩu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì sau đây phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải: Thuốc bảo vệ thực vật (bao bì thuốc bảo vệ thực vật); Pin dùng một lần các loại; Tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; Kẹo cao su; Thuốc lá; Các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp.

Trong đó, các sản phẩm khác có thành phần nhựa tổng hợp gồm: Khay, bát, đũa, ly, cốc, dao, kéo, đũa, thìa, dĩa, ống hút, que khuấy, hộp đựng, màng bọc thực phẩm sử dụng một lần; bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ rang, bàn chải đánh răng dùng một lần, kem đánh răng dùng một lần, dầu gội, dầu xả dùng một lần, dao cạo râu dùng một lần; quần, áo các loại và phụ kiện; đồ da, túi, giày, dép các loại; đồ chơi trẻ em các loại; Đồ nội thất các loại; Vật liệu xây dựng các loại; Túi ni lông khó phân hủy sinh học.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên sẽ không phải thực hiện trách nhiệm đóng Quỹ nếu thuộc đối tượng như: Sản xuất sản phẩm, bao bì để xuất khẩu; Tạm nhập, tái xuất; Sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; Nhà sản xuất có doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; Nhà nhập khẩu có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.

Trình tự thực hiện đóng góp tài chính

Theo Điều 84 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trình tự thực hiện đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải như sau:

Nhà sản xuất, nhập khẩu tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 hằng năm. Việc kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu của năm liền trước. Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin trong bản kê khai.

Trước ngày 20 tháng 4 hàng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: lần thứ nhất nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20 tháng 4 và lần thứ hai nộp số tiền còn lại trước ngày 20 tháng 10 cùng năm.

Trường hợp kê khai khối lượng sản phẩm, bao bì thấp hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải nộp số tiền cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo; trường hợp kê khai lượng sản phẩm, bao bì nhiều hơn thực tế sản xuất đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu thì được trừ số tiền đã nộp cho phần chênh lệch trong năm tiếp theo.

Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó, đưa ra các mức xử phạt nặng đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải nói riêng và trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung.

Theo mức phạt của dự thảo trên, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; hay nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên, sẽ bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) nhấn mạnh, dù Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chưa ban hành và có hiệu lực, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đóng Quỹ Bảo vệ môi trường để thu gom, xử lý chất thải theo đúng thời hạn quy định. Cụ thể, sau ngày 20/4, tất cả các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải đóng Quỹ mà chưa kê khai, chưa đóng Quỹ sẽ bị xử phạt ngày sau khi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực.

Ngoài các mức phạt nặng, các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm như trên còn bị công khai tên doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

Theo: Kinh tế Môi trường