Bùi Hằng ·
2 năm trước
 4147

Doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu tiên từ phát triển kinh tế tuần hoàn

Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, phí, trợ giá khi áp dụng các mô hình tái chế, tái sử dụng phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải.

Từ trước đến nay, hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống, lượng chất thải rắn tăng lên nhanh chóng tới hàng chục triệu tấn/năm. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu tiên từ phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang). (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Nhằm cung cấp thông tin về khung pháp lý phát triển kinh tế tuần hoàn và làm rõ vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện mục tiêu này, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) sáng 15/12 đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm trong Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn”.

Được biết, sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Môi trường Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường Nhật Bản đồng tổ chức từ 15/12 đến 17/12/2021.

Vào 2044, Việt Nam có thể phải đối mặt với 23,5 triệu tấn rác thải mỗi năm

Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường TS. Lại Văn Mạnh cho biết, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, phần lớn chất thải của Việt Nam đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Chất thải rắn ngày càng gia tăng ở các vùng phát triển công nghiệp cao, có kinh tế phát triển.

Trong năm 2019, tổng lượng chất thải ước khoảng 1,08 kg/người/ngày, 3.562 tấn/ngày và lên đến 10,3 triệu tấn/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên 15,7 triệu tấn/năm vào năm 2024 và sẽ tăng lên 23,5 triệu tấn vào năm 2044.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu tiên từ phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2
Ảnh trích xuất hội thảo.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chất thải rắn từ khu vực đô thị Việt Nam sẽ đạt 54 triệu tấn vào năm 2030, tăng 73% từ mức 28 triệu tấn năm 2018. Thành phần chất thải chính là các nguyên liệu hữu cơ như chất thải thực phẩm, quần áo, giấy, bìa...và chất thải vô cơ như nhựa, cao su, kim loại.

Là làm hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường

Ông Mạnh cho biết: “Trong tương lai nếu Việt Nam không thay đổi mô hình kinh tế thì áp lực an ninh môi trường sẽ ngày càng lớn. Muốn phát triển bền vững, Việt Nam cần giải quyết hài hòa mối quan hệ kinh tế và môi trường”.

Với mục tiêu hướng đến cần phải đạt được là đưa chất thải rắn trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình “kinh tế tuyến tính” đối với giải quyết vấn đề chất thải", ông Mạnh nhận định.

Kinh nghiệm đi trước của Nhật Bản với mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, sử dụng), ông Mạnh cho biết, Việt Nam đang tiếp cận kinh tế tuần hoàn bằng nguyên tắc 9R đi từ thu hồi, tái chế, tái sử dụng cho mục đích khác, tái sản xuất, tân trang, sửa chữa, tái sử dụng, giảm thiểu, thay đổi tư duy đến mức độ cao nhất là từ chối những sản phẩm có hại cho môi trường.

Áp dụng nguyên tắc 9R cùng với sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và Internet vạn vật sẽ hướng tới 3 mô hình kinh doanh tuần hoàn: thiết kế tuần hoàn, phục hồi tối ưu, kinh doanh giá trị.

Doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu tiên từ phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3
Ảnh trích xuất hội thảo.

Từ đó hình thành khung pháp lý với trụ cột là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn 2045 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Mạnh nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trên lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn cho biết, doanh nghiệp cần thực hiện theo kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch hành động của các Bộ, UBND cấp tỉnh trên tinh thần khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình được xác định trong kế hoạch hành động của Nhà nước bằng các hành động cụ thể.

Theo đó, các dự án, cơ sở sản xuất thực hiện giải pháp 9R theo thứ tự ưu tiên. Các khu công nghiệp thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng.

Đối với khu đô thị, cần áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; tận dụng diện tích mái nhà để phát triển năng lượng mặt trời áp mái; thu gom, dự trữ để tái sử dụng nước mưa; thu hồi tái sử dụng nước thải sau xử lý; thực hiện các giải pháp về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Ưu tiên cho doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn

Đối với cơ chế ưu tiên dành cho doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kinh tế tuần hoàn, TS. Lại Văn Mạnh cho biết, điều 141 của Luật bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng biện pháp bảo vệ môi trường, áp dụng các mô hình tái chế, tái sử dụng.

“Nếu các doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm thân thiện với môi trường, được cấp nhãn xanh Việt Nam thì sẽ được hưởng các chính sách liên quan đến quy định giảm thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi thuế, phí, trợ giá…”. 

Ông Mạnh cho hay, để đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, Nhà nước đã đầu tư vào các lĩnh vực thị trường không ai làm và làm không hiệu quả. Còn các lĩnh vực tạo ra lợi nhuận, Nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân lấy lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường là động lực chính tạo ra các mô hình kinh doanh, các sáng kiến đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế tuần hoàn.

TS. Lại Văn Mạnh nói: “Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện các sáng kiến kinh tế tuần hoàn bằng việc chuyển từ bán vật chất sang bán dịch vụ. Ví dụ chuyển từ việc bán bóng đèn sang bán số giờ chiếu sáng của bóng đèn.

Ông Mạnh cho biết thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UNDP xây dựng mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam: Mạng lưới này sẽ sớm được công bố trong thời gian tới, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào kinh tế tuần hoàn: người sản xuất, người tiêu dùng, các nhà khoa học, cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp và Chính phủ.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, mỗi một tác nhân trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng. Nền tảng đầu tiên mà thế giới khuyến nghị là tập trung vào hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật. Tiếp theo là thúc đẩy sự đổi mới của cộng đồng doanh nghiệp.

“Vai trò của các hiệp hội đã được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, các doanh nghiệp nên dành thời gian nghiên cứu để có những định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn sớm nhất”, ông Mạnh khuyến nghị.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận động doanh nghiệp tham gia tích cực vào kinh tế tuần hoàn, ông Takashi Togi, chuyên gia của Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đã đưa ra hai bộ luật lớn về kinh tế tuần hoàn: luật khuyến khích mua sắm xanh và luật tái chế thiết bị gia dụng.

Trước đó, vào hồi tháng 03/2021, Chính phủ Nhật Bản và Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (KEIDANREN) đã khởi động chương trình quan hệ đối tác công tư với mục tiêu nâng cao hiểu biết hơn nữa cho các doanh nghiệp về nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy các sáng kiến và tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế.

"Thông qua hoạt động này, Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh vận động quá trình chuyển đổi toàn cầu sang kinh tế tuần hoàn và kiểm soát hiệu quả nguồn tài nguyên nền kinh tế; lập bản đồ chính sách quốc gia, xác định các rào cản, chia sẻ các thông lệ tốt; hỗ trợ các quan hệ đối tác theo ngành, song phương và khu vực; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cuộc đối thoại toàn cầu về quản lý tài nguyên thiên nhiên".

“Những kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, Việt Nam cần tăng cường hợp tác của chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, tăng cường quan hệ đối tác hiệu quả với khu vực tư nhân và thu hút người tiêu dùng để đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế tuần hoàn”, chuyên gia Takashi Togi nhấn mạnh.

Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường 2020

1. Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn và các chương trình kế hoạch.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện các biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

4. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn