Theo Bộ Công Thương, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU có thể sẽ áp dụng với các mặt hàng nhập khẩu như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện. Theo quy định của CBAM, EU sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon.
Hãng thông tấn Bloomberg News của Mỹ cũng vừa đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp thuế phát thải carbon đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm thép, xi măng và điện.
Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất chính sách thuế biên giới carbon vào ngày 14/7, một động thái nhằm đặt các doanh nghiệp EU ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia có chính sách carbon yếu hơn so với các nước trong khối.
Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này sẽ tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống cuối cùng được áp dụng vào năm 2026.
Hình ảnh minh họa
Những mặt hàng như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện được thị trường đưa vào tầm ngắm bởi đây là những ngành, lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. CBAM sẽ áp dụng đối với việc phát trải trực tiếp khí CO2 ra môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm trên.
Dù không nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu các mặt hàng bị EU xem xét nhưng Việt Nam lại nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp sản xuất vào Thụy Điển.
Trong khi Thụy Điển là quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh CBAM, nước này có thể đưa ra các quy định và mức thuế riêng lên một số sản phẩm nhất định để bảo vệ môi trường.
Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và Thụy Điển nói riêng cần phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.