Sụt giảm đơn hàng xuất khẩu
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu quần áo, giày dép và nội thất lớn nhất thế giới, nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt tại các thị trường lớn ở châu Âu và Mỹ, khiến sức mua của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm.
Lạm phát, bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng khiến sức mua của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm.
Gần đây, lạm phát dù đã hạ nhiệt tại một số quốc gia nhưng sức mua vẫn chậm, hàng hóa tồn kho còn lớn, khiến cho các đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi hay thậm chí là giày dép vẫn đang trong đà sụt giảm.
Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm đã cho thấy một bức tranh thị trường khá ảm đạm. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 1 năm 2023 chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sợi đạt 225 triệu USD, giảm 52%, xuất khẩu hàng may mặc đạt 2,39 tỷ USD, giảm 36% cùng kỳ.
Đáng chú ý, một số thị trường xuất khẩu chủ lực truyền thống của Việt Nam cũng đều có xu hướng giảm: Thị trường Mỹ giảm 46% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,02 tỷ USD; Thị trường EU lần đầu chứng kiến sự sụt giảm 25% so với cùng kỳ 2021; Thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tiếp tục giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 149 triệu USD; thị trường Nhật Bản giảm 17% so với cùng kỳ 2022.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực giày dép các doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng. Hồi cuối tháng 2 vừa qua, PouYuen Việt Nam, một đơn vị của Tập đoàn Pou Chen có trụ sở tại Đài Loan, một trong những nhà sản xuất giày lớn nhất của Việt Nam, chuyên gia công cho các thương hiệu lớn như Nike và Adidas cũng buộc phải có kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm do đơn đặt hàng sụt giảm.
Công ty cho biết sẽ sa thải 3.000 công nhân nhà máy và không gia hạn hợp đồng của 3.000 người khác, vì “rất ít đơn đặt hàng sản xuất vào năm 2023”.
Cách ứng phó của các doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp giày dép và dệt may xuất khẩu tại Việt Nam đã buộc phải “ngộ biến từng quyền”, đưa ra các đối sách nhằm ứng phó với các khó khăn thách thức. Một số doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, trong khi một số khác thì thâm nhập vào thị trường ngách, nhằm đối phó với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải tìm những cách để thích ứng với khó khăn.
Sau khi chứng kiến các đơn đặt hàng từ châu Âu giảm 70% trong những tuần gần đây, nhà sản xuất giày Chang Shuen ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng sang Mỹ, một thị trường mà họ vẫn chưa chú ý trong gần một thập kỷ vừa qua.
Theo ông Đoàn Sỹ Lợi, Tổng giám đốc công ty, giá sản phẩm sản xuất cho thị trường Mỹ luôn thấp hơn ít nhất 15% so với thị trường châu Âu. Khi xuất khẩu sang châu Âu, công ty chỉ cần sản xuất 5.000 đôi giày mỗi ngày để có lãi, nhưng họ sẽ cần phải sản xuất hơn 6.000 đôi xuất sang Mỹ mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận.
“Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi phải làm nhiều hơn để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, một lợi thế là các đơn đặt hàng từ Mỹ lớn hơn từ 5 đến 10 lần so với từ châu Âu”, Tổng giám đốc Chang Shuen cho biết. Ông cũng nói thêm rằng khối lượng sản xuất lớn hơn sẽ thu hút người lao động, giúp quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc công ty may mặc Dony tại TP. HCM cho biết, mới đây công ty đã cử lãnh đạo sang Trung Đông để gặp gỡ, đàm phán với các nhà bán buôn cho các thương hiệu lớn.
Ông cho biết, công ty đã đưa ra mức giá thấp hơn trước đây, các nhà nhập khẩu sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn và nhận hàng trong một hoặc hai năm. Một số đã đồng ý tăng số lượng đặt hàng lên 300%.
Cũng theo ông Phạm Quang Anh, với việc doanh nghiệp của ông trước đây thường có các đơn hàng nhỏ lẻ, với thời gian ngắn khiến cho việc mua nguyên liệu thô với giá cao và công nhân buộc phải làm thêm giờ, khiến tăng chi phí lao động, hoặc nhà máy phải thuê nhân công tay nghề kém, dẫn đến hàng hóa bị lỗi. Nhưng giờ đây, với các đơn hàng kéo dài hàng năm như hiện nay, công ty có thể quản lý tốt hơn lịch trình sản xuất của mình.
Song song với việc tìm kiếm thị trường mới, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm thị trường ngách và các đối tác mới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May-Dệt-Thêu-Đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp đang phát triển các sản phẩm xanh từ vật liệu tái chế, nhắm đến phân khúc và khách hàng cao cấp. Ông hy vọng các đơn đặt hàng sẽ phục hồi 90% vào cuối quý thứ ba.