Vân Anh ·
2 năm trước
 1890

Doanh nông trẻ làm sao để đi xa

Tại tọa đàm: “Khởi nghiệp Xanh hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ”, những bạn trẻ khởi nghiệp thành công đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị giúp họ tạo được sự thành công như ngày hôm nay. Những bạn trẻ này là những người đạt giải cao trong các cuộc thi dự án khởi nghiệp do Trung tâm BSA tổ chức trong các năm 2018 – 2021.

Nguyễn Thị Các Thủy, giám đốc công ty TNHH Tây Cát, với thương hiệu “mứt chuối phồng Tư Bông” cho biết: “Từ khi tham gia cuộc thi năm 2018 đến nay, với kinh nghiệm có được, Thủy đã đưa các sản phẩm mứt chuối phồng Tư Bông có mặt ở sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất… Song song đó, những sản phẩm mới từ nông sản Việt cũng được Thủy sáng tạo ra, như mứt trái cây kết hợp với nhiều sản phẩm khác như bánh dứa cuộn, xoài cuộn, bánh mứt ăn vặt…”

Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, giới truyền thông tham gia buổi tọa đàm

Nguyễn Thị Các Thủy chia sẻ tại tọa đàm

Với Nguyễn Ngọc Hương, giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt, với thương hiệu bột rau sấy lạnh ở TP.HCM – Giải nhất năm 2019, cô kể về quá trình về những chuyến đi Thái Lan cùng Trung tâm BSA đã giúp mình rất nhiều.

“Những chuyến đi Thái Lan cùng Trung tâm BSA, tôi thấy, gần như các nơi trên thế giới đổ về Thái Lan tìm nguồn hàng, trong khi họ cũng không nhiều trái cây, nông sản như Việt Nam. Tôi đi để tìm hiểu, khám phá những gì mà mình còn thiếu xót, bổ sung cho mô hình kinh doanh”, Hương nói.

Còn Phan Minh Tiến (TP.HCM) – Giải nhì năm 2019 lại chia sẻ về câu chuyện của sự trăn trở với quê hương Cần Giờ của mình, về việc phải tìm ra sản phẩm gì đó cho khách du lịch khi đến đây có thể mua đem về dù xa hay gần.

“Sau đó tôi thấy xoay quanh giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa là cây dừa nước ở Cần Giờ. Tôi tìm hiểu và biết dừa nước có tiết ra mật, có thể làm thành đường và nhiều thứ khác. Tôi cũng biết, nhu cầu về chất làm ngọt tự nhiên thay cho đường trên thế giới đang có nhu cầu cao”, Tiến kể.

Và sau vài năm khởi nghiệp thì hiện nay, những sản phẩm từ mật dừa nước của Tiến đã được bán ra thị trường ở nhiều phân khúc khách hàng, và quan trọng nữa là khách du lịch đến Cần Giờ, họ luôn ghé để mua sản phẩm về làm quà. Tiến cũng tạo việc làm cho hơn 10 hộ dân ổn định, thường xuyên, với thu nhập tăng cao. Có vùng nguyên liệu 10 hec ta, và Nhà nước đang có những hỗ trợ về vùng nguyên liệu.

“Trên hết, đây cũng là loại cây có nhiều ưu điểm nổi bật trong vấn đề chống biến đổi khí hậu”, Tiến khẳng định.

Cũng khai thác giá trị từ cây dừa, nhưng với Phạm Đình Ngãi – CEO mật hoa dừa Sokfarm, giải nhất cuộc thi năm 2020, lại khai thác những giá trị mang tính tài nguyên bản địa trong cây dừa của đồng bào Khmer ở Trà Vinh.

Ngãi cho biết, Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc, tạo ra chuỗi giá trị cho ngành dừa, lấy người nông dân làm đầu chuỗi giá trị.

Theo Phạm Đình Ngãi, phải cho những người tham gia trong chuỗi giá trị những lợi ích lớn, từ đó tạo sự gắn kết chặt chẽ. Như hiện nay, Sokfram có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết, với 20 ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo USDA, mức thu nhập của nông dân là 15 – 25 triệu/ tháng.

Không dừng lại đó, chàng trai trẻ này cũng đưa nhiều công nghệ vào quá trình chế biến, làm sao thông qua công nghệ sẽ là cầu nối, đưa sản phẩm tài nguyên bản địa đến tay người tiêu dùng.

Ngãi chia sẻ thêm, hiện nay Sokfarm có 7 sản phẩm trên thị trường, được tỉnh Trà Vinh quan tâm, vì cây dừa là cây đang chịu được biến đổi khí hậu.

Mới đây, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards năm 2021 ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển toàn diện), vì phát triển được kinh tế cho người nông dân, dân tộc quê hương Trà Vinh…

Những dòng sản phẩm khác nhau của Phạm Đình Ngãi

Của Nguyễn Ngọc Hương với các loại bột rau

Mật dừa nước Cần Giờ là món quà của nhiều khách du lịch

Đa dạng những sản phẩm của mứt chuối phồng Tư Bông

Bốn bạn trẻ khởi nghiệp trong phần chia sẻ câu chuyện của mình

Hành trình chinh phục người tiêu dùng bằng tiêu chuẩn

Trong hành trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên, qua sự hướng dẫn, tư vấn của các chuyên gia từ Trung tâm BSA và cuộc thi Dự án khởi nghiệp, họ nhận thức thêm rằng, cần phải có thêm tiêu chuẩn, chất lượng để đón nhận những cơ hội lớn hơn, mang đến sản phẩm an toàn nhất cho người tiêu dùng.

Bằng cách “đi xúc tiến thị trường liên tục để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, hiểu được họ cần gì”, Phan Minh Tiến nói.

Trong khi, Phạm Đình Ngãi lại suy nghĩ rằng, muốn bán được hàng, ít nhất phải đem được hàng ra chợ, và việc có chứng nhận giúp cho sản phẩm, thương hiệu có chất lượng hơn, kiểm soát dễ dàng hơn.

“Như Sokfarm mới làm xong chứng nhận hữu cơ thì đã có “chợ mới” để thâm nhập vào. Bên cạnh đó, cũng cần thêm tư duy về “rổ sản phẩm”, mỗi sản phẩm có một nhóm khách hàng, mục tiêu khác nhau”, Ngãi cho hay.

Với Ngọc Hương, tâm niệm rằng, một sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Việt Nam nhưng phải đạt chứng nhận đẳng cấp quốc tế.

Ngọc Hương kể, “ngày đầu mình tự tìm hiểu trên mạng xem cách họ xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế ra sao từ EU, Mỹ, qua 3 năm với sự cố vấn của Trung tâm BSA đã thành công. Sau này khi đi thị trường nhiều hơn, chính khách hàng là người chỉ mình cần có tiêu chuẩn gì để vào thị trường họ”.

Cô gái đến từ Đồng Tháp – Các Thủy chia sẻ thêm phần câu chuyện tiêu chuẩn bằng 3 vấn đề nhận thức khi làm, đó là: Đầu tiên là hướng về nhu cầu phục vụ khách hàng. Vì làm là làm cho khách hàng nên phải chỉn chu. Thứ 2 là quản lý, vì các tiêu chuẩn đều có cách quản lý. Thứ 3 là muốn thị trường phát triển hơn thì mình phải có các chứng nhận khác như ISO, HACCP để đi xa.

Lời khuyên của những người “dẫn dắt”

Ông Nguyễn Lâm Viên trò chuyện thân mật cùng những bạn trẻ khởi nghiệp do ông dìu dắt

Phần chia sẻ của các chuyên gia

Bà Vũ Kim Hạnh nói về những xu hướng mà các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay đang đi theo

Chuyên gia Phi Vân chia sẻ

Trước sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của những bạn trẻ khởi nghiệp, tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp, những người gắn bó với chương trình khởi nghiệp xanh từ đầu cũng đưa ra nhiều ý kiến, gợi mở cho người trẻ khởi nghiệp ở những chặng đường phát triển sau này.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit, khẳng định, làm nông nghiệp lấy giá trị bản địa để thành công là rất khó, làm sao thành công thì nhiều câu hỏi.

Ông Viên nói, “tôi đồng cảm với họ, bởi nếu mọi thứ rõ ràng quá thì không nói, đây là không rõ ràng, nên tôi hãnh diện với các bạn trẻ này, đây là những sản phẩm có giá trị cho tương lai, cho cộng đồng, xã hội. Ngay tại đất nước chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội, cho người đang làm và sắp làm”.

Với bà Nguyễn Phi Vân: Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam; Chủ tịch Cty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, cho rằng, người trẻ khởi nghiệp ở nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Như nếu sản phẩm chưa thương mại hoá được thì không gọi vốn được, người trẻ thích ra nhiều sản phẩm, nhưng tỉ trọng doanh thu trong sản phẩm thấp.

“Nên ta cần tập trung, tồn tại trong ba năm để nuôi mình. Làm tốt B2B để tiền vào công ty, sau đó là B2C, sau đó không chỉ làm sản phẩm, như những nền kinh tế phát triển họ nghĩ xa hơn là xuất khẩu thương hiệu, mô hình của mình…”

Quan sát các dự án khởi nghiệp gần đây, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho rằng, nổi lên một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là tác động đến xã hội, mong muốn được làm vì trách nhiệm xã hội của các bạn trẻ khởi nghiệp. Họ có dự án tạo ra việc làm.

“Như mô hình quan Thời thanh xuân ở Lâm Đồng, phục vụ và làm việc là những người khiếm thính. Họ đang tiếp tục mở ra cửa hàng tiếp theo. Họ là doanh nghiệp nuôi, chăm sóc những người khuyết tật”, bà Hạnh dẫn chứng.

Thứ hai, hàm lượng về công nghệ. Thứ ba, chú trọng yếu tố xanh, sạch, dùng đạm thay thế. Thứ tư,  nổi bật tính địa phương, phát triển tài nguyên bản địa của họ.

Những cái này có trong 10 xu hướng thực phẩm thế giới, bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, các bạn trẻ định giá sản phẩm còn khá cao, và chưa quan tâm nhiều đến vấn đề truyền thông phân phối.

Về việc doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng việc số hóa, theo chuyên gia Phi Vân, những vấn đề về tài chính, kế toán, bán hàng, vận chuyển, cung ứng, phát triển digital, chuyển đổi số… còn nhiều hạn chế trong doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nói về điều này, theo bà Vũ Kim Hạnh, số hóa trên bao bì sản phẩm, đơn giản là những vấn đề liên quan đến việc ghi nhãn sản phẩm, mã QR code trên bao bì, mà từ những chi tiết này, khách hàng có thể đặt hàng, tương tác với doanh nghiệp.

Theo doanh nông Nguyễn Lâm Viên, trước 2015, nếu theo xu hướng cũ, người khởi nghiêp sẽ không có tương lai, sau 2015 đã đảo chiều, nhờ đó nông nghiệp có tương lai, có lớp doanh nhông trẻ, họ tìm đến với nông nghiệp, nhất là dịch Covid-19 họ đều nghĩ tới sức khoẻ, đến sản phẩm có bắt nguồn từ thiên nhiên.

“Từ đó doanh nông trẻ có đất sống, nhà khoa học, chuyên môn có cơ hội để phát minh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giải pháp sinh học. Đó là điểm mang lại sự sống. Hãy đầu tư nhiều cho công nghệ sinh học, công nghệ phân tử, và nghiên cứu nó. Thế giới đang làm nó rồi”, Tổng giám đốc Vinamit kết luận.