Cuộc đối thoại giữa người dân Thuận Hà, Chủ đầu tư và chính quyền không giải quyết được triệt để vấn đề?
Về chuyện người dân Thuận Hà (Đắk Song, Đắk Nông) đồng loạt đứng lên "tố" bị CĐT Dự án điện gió Đắk N’Drung 1 là Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung "lừa" bán đất. Họ gay gắt khi chia sẻ về chuyện có nhiều người đến mua đất nói là để thực hiện dự án trồng cây dược liệu nhưng sau đó lại trở thành các trụ tuabin của điện gió.
Và từ khi dự án đi vào thi công đến nay, chủ đầu tư đã kéo máy móc vào đào núi, bạt đồi để xây dựng trụ điện gió, khoảng cách của công trình đang thi công tới nơi sinh sống của bà con không đảm bảo an toàn, gây xáo trộn và làm ô nhiễm môi trường sinh sống của người dân. Chưa kể, người dân xã Thuận Hà còn trình bày rằng Dự án đi qua đất của bà con nhưng dân không nhận được bất cứ thỏa thuận bồi thường nào.
Vì nhiều lý do, mà mâu thuẫn giữa người dân Thuận Hà và chủ đầu tư dự án điện gió Đắk N’Drung 1 ngày càng gay gắt. Đỉnh điểm, người dân đã tập trung lại ngăn cản không cho Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung triển khai ba dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2 và 3 tiến hành thi công.
Người dân cho rằng chủ đầu tư cố tình làm trái quy định của Bộ Công thương. Ảnh: Minh Hậu.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, giải đáp các thắc mắc, bức xúc của người dân, theo Nông Nghiệp thông tin, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, ông Lê Trọng Yên đã chủ trì cuộc đối thoại giữa các bên ngay tại trụ sở UBND huyện Đăk Song.
Tại buổi đối thoại ngày hôm đó, có hai vấn đề chính người dân yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư làm rõ là phương án bồi thường thu hồi đất thế nào và khoảng cách xây dựng trụ điện gió có đảm bảo theo quy định của Bộ Công thương hay không?
Đó là câu hỏi mà người dân chất vấn chính quyền và chủ đầu tư. Bởi người dân Thuận Hà cho rằng các dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 đã xây dựng trái với quy định của Bộ Công thương tại Thông tư ngày 6/3/2020. Thông tư quy định rằng công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m. Thế nhưng thực tiễn tại xã Thuận Hà cho thấy, nhiều vị trí trụ điện gió được chủ đầu tư xây dựng chỉ cách nhà dân có vài chục mét, việc này lại càng ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt của bà con.
Thế nhưng cuộc đối thoại vẫn chưa giải quyết được những câu hỏi của bà con. Theo ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà, sau cuộc đối thoại, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Một ngày sau cuộc đối thoại, người dân Thuận Hà tiếp tục tụ tập đông người để cản trở nhà đầu tư thi công. Xe tải hạng nặng chở vật liệu vào vùng dự án bị chặn trong khi công nhân và các máy móc khác ở công trình buộc phải dừng hoàn toàn.
Những người dân xã Thuận Hà cho rằng, cuộc đối thoại của chính quyền đã không giải quyết được triệt để vấn đề người dân bức xúc: “Người dân yêu cầu cơ quan chức năng công khai thông tin về dự án, yêu cầu công tác thi công phải bảo đảm về môi trường, an toàn khu dân cư và đền bù giá đất hợp lý. Đặc biệt phải bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân nằm trong phạm vi 300m tính từ chân trụ tuabin. Tuy nhiên, cuộc đối thoại chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề nên người dân không đồng thuận”.
Huyện Đắk Song: "Không thể khẳng định việc mua bán, thi công của chủ đầu tư là đúng hay sai"
Không chỉ là câu chuyện đền bù không thỏa đáng. Mà Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đắk Song còn cho rằng chủ đầu tư dự án đã thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết. Dù đã triển khai từ đầu tháng 3/2021 nhưng các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành.
Dù đã triển khai từ đầu tháng 3/2021 nhưng các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cũng chưa được hoàn thành
Về câu chuyện thi công gấp gáp, vội vàng bất chấp thủ tục, ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thừa nhận với báo Nông Nghệp như sau: Do sức ép tiến độ dự án nên doanh nghiệp đã tự thỏa thuận, mua bán đất với dân sau đó Nhà nước mới thực hiện thu hồi và cho thuê đất. Còn ông Đồng Văn Giáp, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đăk Song, cơ quan chuyên môn lĩnh vực đất đai cũng không thể khẳng định việc mua bán, thi công của chủ đầu tư là đúng hay sai.
“Các dự án điện khi đầu tư vào địa phương sẽ dẫn đến sự thay đổi về quy hoạch sử dụng đất. Trên thực tế, các vị trí công trình, tuabin điện phải có kế hoạch sử dụng đất và khi khi đưa vào kế hoạch thì UBND tỉnh sẽ thành lập hội đồng thẩm định để xem xét, đánh giá sau đó mới phê duyệt kế hoạch. Trong năm 2020, các vị trí xây dựng công trình điện chưa nằm trong quy hoạch nhưng đến nay đã được điều chỉnh.
Về quy trình thu hồi đất, sau khi có quyết định đầu tư của tỉnh thì chủ đầu tư phải thông tin về diện tích, thửa đất, chủ sở hữu đất, hiện trạng đất, sau đó trên cơ sở đó thì huyện sẽ ban hành thông báo thu hồi. Việc mua bán đất sau đó thi công xây dựng thì chức năng của phòng không thể khẳng định là đúng hay sai được. Trong thời gian tới UBND tỉnh Đắk Nông sẽ có kết luận cụ thể về việc này”.
Có thể thấy, bức xúc giữa người dân Thuận Hà và chủ đầu tư các dự án điện gió Đắk N'Drung 1,2 và 3 là những bức xúc tồn đọng kéo dài. Người dân có quyền đòi hỏi những quyền lợi chính đáng, thế nhưng họ đã không hề được thông tin gì về dự án này cho đến khi thi công thị họ mới...nhìn thấy. Đền bù không thỏa đáng. Bị người ta đến mua đất một cách không thành thực. CĐT thì đẩy nhanh tiến độ bất chấp thủ tục, và chuyện có tuân thủ hay không khoảng cách an toàn theo Thông tư, chính doanh nghiệp rõ nhất.
Là cá nhân người đọc, tôi có thể nhìn ra sự khốn khổ của người dân Thuận Hà. Không ai muốn bỏ công bỏ việc của mình chỉ để đi chặn xe, ngăn cản không cho thi công. Nhưng tại sao hết lần này đến lần khác họ đã làm thế? Hy vọng cơ quan chức năng đủ sáng suốt và minh bạch để tháo gỡ những bức xúc và vướng mắc giữa người dân xã Thuận Hà và Chủ đầu tư là Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung để mau chóng "siết" lại an ninh trật tự trên địa bàn.