Thanh Tâm ·
1 năm trước
 3641

Đối tượng nào cần Giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020?

Việc sử dụng thống nhất một loại Giấy phép môi trường sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Trước đây, các giấy phép liên quan đến môi trường không được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 mà nằm rải rác ở các luật về thủy lợi, tài nguyên nước...

Điều này khiến cho nhà đầu tư phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan sau khi được phê duyệt và trước khi dự án vận hành chính thức, đồng thời gây nhiều khó khăn cho quản lý nhà nước.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết, Luật BVMT 2020 đã tích hợp chung các loại giấy phép về môi trường như xả nước thải, xả khí thải, xử lý chất thải nguy hại,... thành một loại giấy phép, gọi là Giấy phép môi trường (GPMT).

Các đối tượng phải có GPMT bao gồm:

Một là, dự án đầu tư Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III (theo khoản 2 điều 28, Luật BVMT 2020) có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức;

Hai là, dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng nêu trên;

Các dự án thuộc trường hợp một là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công sẽ được miễn GPMT. Tùy theo từng loại dự án cụ thể, thẩm quyền cấp phép và nội dung GPMT sẽ xác định rõ các yêu cầu về bảo vệ môi trường cụ thể.

Luật sư Tú lưu ý, một trong những căn cứ xem xét việc cấp GPMT cho dự án là việc đánh giá khả năng chịu tải của môi trường trong khu vực thực hiện dự án. Đây là quy định mới tại Luật BVMT 2020 được bổ sung nhằm giới hạn khả năng chịu đựng của môi trường đối với các nguồn ô nhiễm trong khu vực.

Luật sư Nguyễn Văn Tú.

"Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cấp GPMT cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trừ trường hợp nhà đầu tư có phương án xử lý ô nhiễm, hoặc phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt để không phát sinh thêm ô nhiễm tại khu vực này.

Quy định này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư khi chuẩn bị triển khai các dự án đầu tư tại khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường", vị chuyên gia pháp lý đánh giá.

Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, việc sử dụng thống nhất một loại GPMT sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án và giảm các chi phí trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Việc này cũng giúp cho quá trình quản lý nhà nước về môi trường được thống nhất và chặt chẽ.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là một thách thức đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp phép, quản lý và kiểm tra các dự án. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ xử lý và tiếp nhận hồ sơ, cập nhật các công nghệ hiện đại để phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động quản lý.

Bồi thường thiệt hại

Một điểm mới trong Luật BVMT 2020 đó là việc sửa đổi quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại. Một trong những vấn đề khó khăn nhất của các vụ tranh chấp môi trường là bên bị thiệt hại không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra do hành vi đó gây ra.

Để khắc phục vấn đề này, Luật BVMT 2020 đã quy định trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả này thuộc về bên bị kiện, tức là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường khi vụ việc được giải quyết tại Tòa án.

Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra.

Đồng thời, Luật BVMT 2020 cũng lần đầu tiên đề cập đến nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường khi có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường. Nguyên tắc bồi thường được xác định theo tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường giữa các bên.

Nhằm cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức, cá nhân và người dân hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và những quy định mới về Giấy phép môi trường cũng như Đăng ký môi trường, được sự chỉ đạo của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện chính sách Kinh tế Môi trường phối hợp với Group Chúng tôi là Tư vấn Môi trường tổ chức "Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020".

"Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020" sẽ được tổ chức từ 9h00 đến 11h30, thứ 4, ngày 27/4/2022 tại tầng 2 tòa nhà Nova Edu, số 22 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội.