Thanh Thúy ·
3 năm trước
 1707

Đồng bằng sông Cửu Long: Sụt lún nghiêm trọng do hoạt động khai thác cát

Các nhà khoa học cảnh báo hoạt động khai thác cát tràn lan là nguyên nhân gây ra sạt lở, sụt lún tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Địa mạo, dòng chảy của hệ thống sông rạch nơi đây bị thay đổi và biến đổi khó lường do bị “rút ruột” quá mức

Tốc độ sụt lún ngày càng nhanh và trầm trọng

Sạt lở kinh hoàng ven sông Hậu tại An Giang, cắt đứt QL91 khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.

Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy ĐBSCL đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số địa điểm. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.

Theo kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao của Bộ TN&MT đo được, độ lún tích lũy trung bình của 4 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong giai đoạn 2005-2017 là gần 10,1 cm, Cần Thơ cao nhất với 15,49cm. Tốc độ lún trung bình hàng năm của 4 địa phương này gần 1cm. Trong đó, Cần Thơ là nơi có tốc độ lún cao nhất với trung bình 1,31 cm/năm, thấp nhất là Bến Tre với 0,55 cm/năm. Nếu tình trạng này tiếp tục xả ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.

Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy ĐBSCL đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số địa điểm. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.

Bên cạnh đó kết quả quan trắc hằng năm cho thấy hàm lượng chất rắn, phù sa lơ lửng cũng đang giảm sút với tốc độ 2,5%/năm. Hệ quả là hiện tượng sạt lở, lún sụt ở Đồng bằng sông Cửu Long do tình trạng "nước đói phù sa" trong dòng chảy sông Cửu Long.

Khoảng 20 - 30 năm qua, khi có các đập thủy điện trên dòng Mekong, hiện tượng biến đổi khí hậu, cộng thêm khai thác cát quá mức, nạn phá rừng ngập mặn, nạo vét các giồng cát ven biển, nguồn cát còn lại trên sông Mekong đang sụt giảm ở mức báo động. Theo nhiều khảo sát độc lập, hàm lượng bùn cát trên sông Mekong đang giảm xuống hơn 50%, chỉ còn xuống đồng bằng 70 - 80 triệu tấn mỗi năm (số liệu đến năm 2014 - 2015).

Câu chuyện mỏ cát trên sông Tiền (H.Chợ Mới, An Giang) có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 được niêm yết giá khởi điểm 7,2 tỉ đồng, sau đó đã thuộc về một doanh nghiệp với số tiền gần 2.812 tỉ đồng, thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận vài ngày qua. Không chỉ gây hoang mang bởi giá trúng thầu và giá khởi điểm có độ chênh lệch “khủng” bất thường, rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về ĐBSCL đã lên tiếng phản đối việc tái khởi động mỏ cát này vì lo ngại sẽ đẩy nhanh quá trình “chìm” của ĐBSCL.

Thuyền hút cát hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. 

Hệ lụy của việc hút cát

Cát vô cùng quan trọng với kết cấu của vùng ĐBSCL, cũng như đổ bê tông mà không có đá thì không thể đổ. Thế nhưng, trong hơn 20 năm qua, các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng từ phía thượng nguồn đã chặn cát cùng với phù sa, khiến hàm lượng bùn cát trên sông Mê Kông chảy xuống đồng bằng giảm xuống hơn 50%. Phía trên chặn cát, cấu trúc nền đất phía dưới ĐBSCL dần tan rã. Thực tế đã chứng minh, sạt lở diễn ra thường xuyên và liên tục. Nếu tiếp tục khoét chỗ sâu, lấy cát đem lên chỗ cao xây dựng thì không khác gì tự mình đục phá nền nhà mình, điều tất yếu là sẽ sớm sạt lở.

Khai thác cát trên sông Hậu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xói mòn, sạt lở tại ĐBSCL.

Theo Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mê Kông, hiện nay khai thác cát tại bất cứ chỗ nào thuộc ĐBSCL thì cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng đồng bằng. Nguyên nhân, nguồn cát về bồi đắp cho ĐBSCL theo nước lũ hằng năm, đi vài chục năm mới về được tới đồng bằng hiện đã bị các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào chặn phía thượng nguồn. Số lượng cát ít ỏi còn về được là nhờ đã thoát ra khỏi các chi lưu. Cát ở sông Cửu Long nuôi dưỡng bờ sông, đáy sông và cả bờ biển dài 250 km đoạn cửa sông. Đây chính là vật liệu kiến tạo, xây dựng nên đồng bằng trong quá trình 6.000 năm qua. Trong bối cảnh lượng cát về rất ít, nguồn cung gần như mất rồi thì lấy cát bất cứ nơi nào cũng làm phần bên dưới hạ lưu và phần bờ biển bị “đói” cát.

Bên cạnh đó, sông có cơ chế tái phân phối đáy. Nếu năm nay chúng ta khoan, đào lỗ, khai thác thành 1 hố sâu thì năm sau phía dưới sẽ tự tái phân phối, làm cho đáy sông sâu đồng đều lại. Như vậy, khi dòng chính sâu sẽ rút cát từ đáy sông nhánh, rút dần vào mạng lưới kênh nhỏ hơn, từ sông mẹ vào tới các dòng con, từ từ sạt lở sẽ lan tỏa khắp đồng bằng. Những vùng phía dưới không khai thác cát cũng sẽ bị sạt lở.

Nếu cứ mỗi địa phương bán quyền khai thác cát trên địa phận quản lý của mình, cho dù tất cả đều nói là "làm đúng quy trình, đúng pháp luật", thì tiến trình sụp đổ cả vùng châu thổ sẽ diễn ra sớm hơn, thời gian không tính bằng thế kỷ nữa mà sẽ giảm xuống bằng thập niên, thậm chí các làng mạc, vùng đất yếu, nhạy cảm, sự tồn tại chỉ còn tính theo năm tháng.

Các giải pháp cần thiết ngay lúc này

Thật sai lầm khi cho rằng khai thác cát không gây sạt lở, không có các tác động đến đồng bằng, mà thậm chí còn lan rộng ra vùng biển xung quanh. Cát là tài nguyên khó tái tạo, mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành mỏ. Mất hoặc thiếu cát có thể dẫn đến các tác động bất lợi như một sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3 nhưng năm 2020, nhu cầu này đã tăng lên đến 160 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỉ m3. Đã đến lúc Chính phủ và các nhà quản lý môi trường và tài nguyên phải sửa lại quy định, coi cát, nguồn nước là tài sản chung của Đồng bằng sông Cửu Long. Chiến lược khoa học cho khai thác cát ở một chừng mực phải xem xét trên quy mô tiểu vùng và cả đồng bằng. Việc đấu thầu khai thác cát cần phải có ý kiến tham vấn với các nhà khoa học môi trường và ý kiến của người dân ở các tỉnh khác.

Các chọn lựa khai thác cát quá mức gây sạt lở hoàn toàn là sự chọn lựa "gây hối tiếc cao", trái với tinh thần "thuận thiên" của nghị quyết 120 của Chính phủ.

Khai thác cát quá mức sẽ dẫn đến những thảm họa môi trường là điều đã được cảnh báo từ rất nhiều năm, song, nhu cầu xây dựng cần đến lượng lớn khoáng sản này, khiến các mỏ cát lớn trên sông vẫn chưa thể ngưng hoạt động.

Nếu chỉ coi cát là khoáng sản, vật liệu xây dựng thì chúng ta đã quên mất vai trò duy trì lãnh thổ của nó. Cát chính là lãnh thổ. Cần hiểu đúng, hiểu đủ để có những chính sách quản lý phù hợp hơn cho tương lai. Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mê Kông

Bài toán chung trong khai thác tài nguyên cát cũng như tài nguyên nước luôn phải cẩn trọng vì có những tác động rất lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, gây sạt lở, bồi đắp, thay đổi dòng chảy, hạn hán, mặn xâm nhập. Vùng ĐBSCL khá nhạy cảm trong khai thác cát và nguồn nước bởi nó nằm trong diện cảnh báo của thế giới về khả năng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Trong tương lai, ngoài chiến tranh nước thì cát cũng nằm trong cuộc chiến tranh tránh lạm dụng khai thác.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dong-bang-song-cuu-long-sut-lun-nghiem-trong-do-hoat-dong-khai-thac-cat-54467.html