Tỉnh Đồng Nai chú trọng chuyển đổi số đồng bộ trên mọi lĩnh vực để phát triển bền vững
Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa trên nhiều lĩnh vực trong những năm qua, nhất là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… tạo tiền đề để phát triển nền kinh tế số.
Đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 20% GDP; tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%...
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngành Ngân hàng trong tỉnh đã và đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, CĐS trong hoạt động ngân hàng; tập trung triển khai hiệu quả, thực chất cải cách hành chính; tăng cường hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh toán thẻ qua các máy POS…
“Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và tích cực đẩy mạnh CĐS trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt…”, ông Phạm Quốc Bảo cho biết.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, Đồng Nai được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển TMĐT và liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số TMĐT cao. Mới đây nhất, theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp 5 toàn quốc.
Còn đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình CĐS đó là hạ tầng công nghệ, thông tin. Từ cuối năm 2021, Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các DN có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm…
Đến nay, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã… trong tỉnh tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Sở sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn TMĐT Đồng Nai cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn…
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) nhận xét, trang ecdn.vn nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và sự nỗ lực kết nối hỗ trợ của Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan. Sàn TMĐT Đồng Nai hiện là một trong những sàn đi đầu trong việc tích hợp thanh toán điện tử, logistics và được đánh giá cao về mức độ ứng dụng trong 44 sàn TMĐT địa phương đang được vận hành, triển khai. Hạ tầng về công nghệ của sàn được chuẩn bị khá tốt nhưng cần thêm sự đồng bộ giữa các bên liên quan, cũng như đẩy mạnh công tác về thông tin, truyền thông, kết nối… để sàn phát huy hiệu quả.
Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP. HCM, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có cộng đồng doanh nghiệp lớn và đang tiếp tục gia tăng. Đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Vấn đề ở đây, các doanh nghiệp cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với doanh nghiệp.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai: Về phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%... Phấn đấu 50% số xã và các đơn vị hành chính tương đương trên địa bàn tỉnh có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; 100% các đơn vị cung ứng dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền hình trả tiền triển khai thu cước, phí theo hình thức không dùng tiền mặt… Về phát triển xã hội số, kế hoạch đề ra các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 như: tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%... Phấn đấu tỷ lệ ấp/khu phố được phủ sóng mạng di động 4G/5G đạt 100%, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%... để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu… Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp thực hiện về tổ chức, bộ máy; tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số chất lượng cao; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số. Các giải pháp về nghiên cứu, phát triển; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế số, xã hội số và các giải pháp về đo lượng, giám sát triển khai, bảo đảm kinh phí thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội trên địa bàn tỉnh. |