Theo ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, các khu vực sông Tiền, sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp giáp ranh tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và An Giang xuất hiện nhiều trường hợp bơm hút cát trái phép, tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo số liệu thống kê, sông Tiền, sông Hậu đoạn chạy qua tỉnh Đồng Tháp có tổng chiều dài hơn 150 km (sông Tiền khoảng 120 km, sông Hậu 30 km), chiều rộng trung bình 1,1 km, tổng diện tích mặt nước hơn 165 km2… Diện tích được cấp phép khai thác cát sông khoảng 859 ha. Các tỉnh trong khu vực và tỉnh Đồng Tháp đã giảm dần sản lượng khai thác cát, làm cho nguồn cung cấp vật liệu cát ngày càng không đảm bảo, nhất là phục vụ các công trình dân sinh, cung không đáp ứng đủ cầu, giá cát ngày càng tăng… Vì vậy, tại đây xuất hiện nhiều trường hợp khai thác, bơm hút cát trái phép. Hoạt động này thường diễn ra vào ban đêm, bơm hút gần bờ. Đây là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông. Các ngành chức năng đã bắt và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm nhưng thực trạng này vẫn diễn ra.
Tỉnh Đồng Tháp quyết xử lý nghiêm việc khai thác cát trái phép
Mới đây nhất, vào giữa tháng 6/2022, trên tuyến sông Tiền thuộc thủy phận huyện Châu Thành, Đồng Tháp, Phòng Cảnh sát Giao thông phối hợp với Công an huyện tiến hành tuần tra, mật phục và phát hiện hai vụ khai thác cát trái phép. Lực lượng chức năng đã thu giữ các tang vật có liên quan gồm: 2 máy bơm cát, 2 máy bơm nước, 2 ống hút cát (mỗi ống dài khoảng 30 m), 2 đầu ống hút cát bằng kim loại và khoảng 80 m3 cát; bắt 4 đối tượng quê ở Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long qua địa phận Đồng Tháp bơm hút cát trái phép và đã bị xử lý nghiêm.
Để xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hậu, sông Tiền, UBND tỉnh Đồng Tháo đã ra văn bản chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là hoạt động bến bãi tập kết cát; đồng thời thực hiện tốt các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản, phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, khảo sát thực tế, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các khu vực mỏ khoáng sản, nhất là các hoạt động gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, sạt lở bờ sông và các hoạt động khai thác cát sông... để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Công an tỉnh thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản (thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép...), hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời; nghiên cứu, đề xuất bổ sung chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép, nhằm tăng tính răn đe.
Đánh giá về trữ lượng cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp (Sở TN&MT) nhận định, thực tế những năm gần đây, mùa lũ hàng năm rất nhỏ so với trước đây nên lượng phù sa (trầm tích cát sông) từ thượng nguồn về sông Hậu, sông Tiền giảm mạnh. Đồng thời, tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lượng nước tại thượng nguồn về sông Tiền, sông Hậu, điều này dẫn đến lượng phù sa bồi đắp hàng năm cũng giảm. Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cát sông với công suất khai thác khoảng 6 triệu m3/năm và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm dần sản lượng khai thác trong các năm tiếp theo. Ước tính năm 2023 sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 2 triệu m3. Tuy nhiên, qua tổng hợp, nhu cầu cát của tỉnh Đồng Tháp năm 2022 – 2025 rất lớn, trung bình cần hơn 10 triệu m3/năm. Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp thông tin, hiện nay trữ lượng cát còn lại tại các khu mỏ tại tỉnh Đồng Tháp được cấp giấy phép khai thác rất ít. Thực tế, một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng, đạt cao trình cho phép theo quy hoạch đã phải dừng khai thác. “Thực trạng vật liệu cát còn lại trên địa bàn tỉnh theo phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 57,8 triệu m3. Như vậy, nguồn cát không thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay”, ông Huỳnh Văn Nguyên cho hay. |