Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí Trends in Ecology & Evolution, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự thay đổi về hình dáng ở nhiều loại động vật máu nóng.
Động vật ngày càng có mỏ, chân và tai lớn hơn để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn khi hành tinh nóng lên, trong đó các loài chim bị ảnh hưởng đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Sara Ryding của Đại học Deakin, Australia.
Nhiều loài động vật đang "thay đổi hình dạng" để ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, khi nhiệt độ lên cao, chim dùng mỏ và động vật có vú dùng tai để tỏa nhiệt. Trước đây, một số sinh vật sống ở nơi có khí hậu nóng thường có mỏ hoặc tai lớn, giúp chúng thoát nhiệt dễ dàng. Nếu không kiểm soát tốt nhiệt độ cơ thể, chúng có thể bị tử vong vì nóng.
"Điều đó có nghĩa là động vật đang tiến hóa, nhưng không nhất thiết phải có nghĩa là chúng đang đối phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể thấy rằng một số loài đã tăng kích thước phần phụ nhưng chúng tôi không biết liệu chúng có thể theo kịp diễn tiến tệ đi của cuộc khủng hoảng khí hậu không" - nhà nghiên cứu Ryding lưu ý.
Bà chỉ ra, các nhà khoa học chưa biết sự thay đổi hình dạng này có thực sự có lợi hay không có lợi cho sự phát triển của động vật. Tuy nhiên, hiện tượng này không nên được xem là tích cực mà cần coi là cánh báo rằng biến đổi khí hậu đang buộc động vật phải tiến hóa theo cách này, trong khung thời gian khá ngắn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, sự thay đổi hình dạng ở động vật có thể sẽ tiếp tục diễn ra khi khí hậu trở nên ấm hơn.
Trong cùng loài động vật, các cá thể ở vùng khí hậu ấm hơn có phần phụ như cánh và mỏ lớn hơn. Trong khi đó, kích thước cơ thể có xu hướng co lại vì cơ thể nhỏ hơn giữ nhiệt ít hơn. Một mô hình gọi là quy tắc của Allen chỉ ra, với diện tích bề mặt lớn hơn, động vật kiểm soát nhiệt độ dễ dàng hơn.
Đôi cánh của dơi tăng kích thước. (Ảnh: Alamy)
Các nhà nghiên cứu cũng đã báo cáo sự tăng chiều dài đuôi ở chuột đồng đuôi dài, kích thước đuôi và chân ở chuột chù mõm nhọn. Những con dơi ở vùng khí hậu ấm áp đã được chứng minh là tăng kích thước cánh.
Tại Mỹ, một nghiên cứu gần đây trên 70.716 con chim di cư đại diện cho 52 loài nhận thấy chúng ngày càng nhỏ hơn trong 4 thập kỷ qua và có sải cánh rộng hơn. Những con chim trong nghiên cứu này đều chết khi va vào các tòa nhà cao tầng ở Chicago trong quá trình di cư và được Bảo tàng Field của thành phố thu thập.