Hải Anh ·
2 năm trước
 2326

Động vật thay đổi hình dạng để ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?

Một số loài vật ở vùng khí hậu nóng đã tiến hóa với mỏ hoặc tai lớn hơn để có thể thoát nhiệt dễ dàng, chúng thích nghi với biến đổi khí hậu, cụ thể là tình trạng nhiệt độ ngày càng ấm hơn với việc các phần phụ lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, động vật ngày càng thay đổi hình dạng vì khủng hoảng khí hậu. Trong đó, động vật máu nóng đang thay đổi hình dạng mỏ, chân và tai để thích nghi với khí hậu nóng hơn và có thể điều chỉnh nhiệt độ tốt hơn.

Khi nhiệt độ cơ thể quá nóng, chim sử dụng mỏ và động vật có vú dùng tai để phân tán sức nóng. Nếu động vật không kiểm soát được nhiệt độ cơ thể, chúng có thể bị quá nóng dẫn đến tử vong. Trong lịch sử, một số sinh vật ở vùng khí hậu nóng đã tiến hóa với mỏ hoặc tai lớn hơn để thoát nhiệt dễ dàng. Những khác biệt này ngày càng rõ rệt khi khí hậu ngày càng ấm lên.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Trends in Ecology and Evolution vào tháng 9/2021, các nhà khoa học tại Đại học Deakin (Australia) phát hiện thêm một phương pháp mà các loài động vật dùng để thích nghi với biến đổi khí hậu, đó là sự gia tăng kích thước tai, đuôi, mỏ và các phần phụ (appendage) khác của chúng. Phần phụ là thuật ngữ trong lĩnh vực sinh học nhằm ám chỉ một bộ phận bên ngoài hoặc phần kéo dài của cơ thể nhô ra từ phần thân của một sinh vật.

Động vật thường sử dụng phần phụ để điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể. Ví dụ, voi châu Phi bơm máu ấm lên đôi tai lớn của chúng, sau đó vỗ nhẹ để phân tán nhiệt. Mỏ của các loài chim cũng thực hiện một chức năng tương tự – lưu lượng máu được vận chuyển đến mỏ nhiều hơn khi chim cảm thấy nóng. Đó là nguyên nhân khiến mỏ chim ấm hơn phần còn lại của cơ thể.
Động vật thay đổi hình dạng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Kích thước mỏ của vẹt mulga ngày càng tăng. (Ảnh: Alamy)
 
Trên thực tế, từ thập niên 1870, nhà động vật học người Mỹ Joel Allen đã phỏng đoán rằng, động vật máu nóng sống ở những vùng khí hậu lạnh hơn có xu hướng phát triển phần phụ nhỏ hơn. Trong khi đó, động vật máu nóng ở vùng khí hậu ấm hơn có xu hướng phát triển phần phụ lớn hơn. Điều này được gọi là quy tắc Allen.
 
Ví dụ, một số loài vẹt Australia đã tăng kích thước cơ thể từ 4 - 10% kể từ năm 1871, tương quan thuận với nhiệt độ tăng trong mùa hè mỗi năm. Chiều dài đuôi và chân của những con chuột chù sống ở Alaska (Mỹ) tăng lên đáng kể từ năm 1950 đến nay.
 
Trong khi đó, nghiên cứu về chim họa mi ở Bắc Mỹ, một loại chim biết hót nhỏ, cho thấy mối liên hệ giữa sự gia tăng kích thước cơ thể và sự khắc nghiệt của nhiệt độ trong môi trường lạnh giá.
Động vật thay đổi hình dạng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Đôi cánh của dơi tăng kích thước. (Ảnh: Alamy)
 
Giống như rất nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, tác động chính xác của nhiệt độ tăng cao hoặc thời tiết thay đổi đối với bất kỳ loài động vật nào là khó phát hiện. “Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thay đổi của cơ thể động vật. Nhưng quy mô toàn cầu của việc thay đổi hình dạng cho thấy biến đổi khí hậu là động lực chính”, Sara Ryding nhận định.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy có một số loài động vật khác thậm chí không thể tiến hóa theo kịp biến đổi khí hậu.
 
Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu để dự đoán động vật hoang dã sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào, thì cách tốt nhất để con người bảo vệ các loài trong tương lai là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu càng nhiều càng tốt.