Ngọc Lan ·
1 năm trước
 5430

Dòng vốn nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tiền gửi tiết kiệm của người dân đổ vào ngân hàng ở mức cao kỷ lục.

Theo báo cáo của NHNN, đến hết tháng 7/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã lập kỷ lục, lên đến 6.389.593 tỷ đồng, tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% so với cuối năm 2022.

Sau hơn 1 năm kể từ tháng 8/2022, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 752.000 tỷ đồng.

Có thể thấy tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn quy trì ổn định trong suốt 1 năm qua, lượng tiền gửi tháng này luôn cao hơn tháng trước.

Số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã lập kỷ lục.

Trong khi đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến tháng 7/2023 đạt 5.909.707 tỷ đồng, giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.

Tại thời điểm này niềm tin của người dân vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng,… vẫn còn khá thận trọng. Điều này lý giải cho việc tại sao lãi suất huy động giảm mà lượng tiền người dân gửi vào ngân hàng ngày càng tăng.

Kể từ đầu năm đến nay lãi suất huy động bình quân đã giảm khoảng 2%. Thậm chí lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện chỉ còn từ 5,3 – 5,5%/năm. Cụ thể, Vietcombank đã hạ lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng xuống 5,3%, 3 khác là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất huy động như từ giữa tháng 9. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất 5,5% cho kỳ hạn 12 tháng.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động niêm yết những ngày đầu tháng 10 theo xu hướng giảm, với mức giảm 0,1 - 1%/năm so với cùng kỳ tháng 9. Cụ thể, lãi suất huy động ở nhóm ngân hàng này đang ở mức 5,5 - 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn kỳ hạn 6 - 9 tháng, mức áp dụng dưới 5%/năm. Kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ còn quanh 4%/năm. Các mức lãi suất huy động hiện nay được đánh giá thấp hơn so với thời điểm diễn ra dịch COVID-19.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ cũng thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD, đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia ngân hàng, lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang chữa bệnh thừa tiền, tức huy động nhiều hơn cho vay ra.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 30/9, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỷ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỷ đồng, ước tăng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.