Trong phiên giao dịch sáng ngày 26/9, đồng won đã được giao dịch ở mức 1.428,40 won/USD vào lúc 10h51, giảm 19,10 won so với phiên đóng cửa của ngày hôm trước. Có thời điểm đồng won đã giảm xuống mức thấp nhất là 1.429,90 won/USD. Đây là lần thứ 3 “kịch bản” này diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Đồng won mất giá kỷ lục, xuống mức tấp nhất trong vòng 13 năm qua. (Ảnh: Internet)
Đồng won Hàn Quốc đã trượt giá "không phanh" sau quyết định mới nhất của Fed về việc tăng lãi suất mục tiêu lên 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2022. Fed hiện còn ám chỉ các đợt tăng lãi suất lớn hơn nữa, bao gồm cả một đợt tăng 75 điểm cơ bản nữa ngay trong những tháng cuối của năm 2022.
Việc đồng USD tăng giá trị được xác định bắt nguồn từ chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ mới công bố đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn mức dự đoán của thị trường là 8,0%. Các thị trường đặc biệt bối rối bởi chỉ số giá tiêu dùng lõi của Mỹ (không bao gồm các nhóm hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) đang tăng trở lại sau khi giảm dần trong vài tháng qua: từ mức 6,5% trong tháng 3 xuống còn 6,2% vào tháng 4; 6,0% vào tháng 5 và 5,9% trong tháng 6 và tháng 7. |
Giao dịch cổ phiếu trên thị trường Seoul cũng ở mức thấp hơn do các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Chỉ số KOSPI đã giảm 59,23 điểm (tương đương 2,59%) khi giao dịch ở mức 2.230,77 vào lúc 10h51, trong khi người nước ngoài ở Hàn Quốc đã bán phá giá ròng 76,5 tỷ won (53,6 triệu USD) cổ phiếu trong nước.
Trong động thái mới nhất nhằm ổn định thị trường ngoại hối, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) tuần trước đồng ý sẽ ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ tạm thời trị giá 10 tỷ USD với Dịch vụ Hưu trí Quốc gia (NPS), quỹ hưu trí nhà nước của Hàn Quốc trong tháng 10 tới.
Thỏa thuận này sẽ cho phép NPS tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối của BoK để đảm bảo nguồn cung USD (thay vì từ thị trường) để tài trợ cho khoản đầu tư ra nước ngoài. Động thái này cũng nhằm giảm bớt nhu cầu USD trên thị trường giao ngay do NPS mở rộng đầu tư ra nước ngoài, vốn đang được coi là lý do gây áp lực giảm giá đối với đồng won.
Cũng trong ngày 26/9, Thống đốc BoK Rhee Chang-yong cho biết giá tiêu dùng của Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng từ 5-6% một thời gian nữa trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm tăng cao và đồng nội tệ yếu đi so với USD.
Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban quốc hội, ông nhấn mạnh rằng nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á dự kiến sẽ chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 do sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc và các điều kiện bên ngoài gia tăng.
Đặc biệt, ông lưu ý rằng: “Giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng 8 sau khi tăng ở mức cao nhất trong 24 năm vào tháng 7 khi giá dầu toàn cầu giảm. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát cao do giá năng lượng và lương thực tăng”.
Sự suy yếu đáng kể của đồng won được cho là sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc. Thống đốc Rhee Chang-yong cho biết BoK có kế hoạch “tích cực” thực hiện các biện pháp để ổn định thị trường ngoại hối trong trường hợp cần thiết.
Theo đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay và năm sau bất chấp các điều kiện bên ngoài tăng cao. Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, giá trị của đồng won Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian dài nữa do các yếu tố trong nước ngày càng xấu đi (bao gồm thâm hụt thương mại và xuất khẩu chậm chạp) và do yếu tố bên ngoài (Fed dự kiến sẽ còn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ).