Từ phụ phẩm nông nghiệp đến rác thải sinh hoạt, chất thải khác như nhựa, vải vụn, ni lông bị xử lý theo hình thức đốt thủ công khiến môi trường không khí ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Điển hình tại bãi tập kết rác thải sinh hoạt ở xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) luôn trong tình trạng cháy âm ỉ suốt ngày đêm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân ở đây cho biết, bãi rác tồn đọng hàng nghìn tấn chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt từ nhiều năm trước chưa được công ty vệ sinh môi trường vận chuyển đi xử lý. Để giảm lượng rác phát sinh, một số người đã mang xăng đến bãi rác đốt, tạo ra những cột khói đen... Hay tại khu vực vỉa hè cầu vượt xã An Khánh (huyện Hoài Đức) lâu nay trở thành nơi tập kết rác thải của Hợp tác xã Thành Công. Sau khi đơn vị vận chuyển rác thải sinh hoạt đi xử lý, những vật dụng còn lại như bàn ghế hư hỏng, bao tải dứa, ni lông… được mang ra đốt khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân gần bãi rác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tương tự, trên địa bàn khu vực trung tâm như: Phố Ngọc Trục, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), ven đường Lê Trọng Tấn, đường Tố Hữu thuộc phường Dương Nội và trong các khu đô thị Văn Khê, An Hưng, Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) cũng xuất hiện tình trạng đốt rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Quốc Tuấn ở phường La Khê (quận Hà Đông) cho biết: Nhiều lần phát hiện người dân và công nhân môi trường đốt chất thải trong Khu đô thị Ngô Thì Nhậm, nhưng khi phản ánh thì họ chống chế do cành cây, hộp xốp, tủ nhựa, gỗ ép không nằm trong hợp đồng thu gom, vận chuyển của công ty nên gom lại đốt.
Từ thực tế trên cho thấy, việc đốt rác thải tự phát trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị thả nổi. Trong khi đó, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt hành vi đốt rác thải nơi công cộng mà mới dừng ở việc tuyên truyền, nhắc nhở.
Để ngăn chặn tình trạng đốt rác thải tự phát nơi công cộng, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) Nguyễn Hữu Trường cho hay, lực lượng chức năng của xã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định hiện hành, hiểu rõ hành vi tự ý đốt rác là hủy hoại môi trường, vi phạm pháp luật.
Còn Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Đào Thị Anh Điệp cho rằng, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các doanh nghiệp môi trường tại khu dân cư; tăng cường quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi đang hoàn thiện đề án phân loại rác thải tại nguồn, trong đó có việc kiểm tra, kiểm soát, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với các trường hợp đốt rác gây ô nhiễm môi trường”, bà Đào Thị Anh Điệp cho biết thêm.