Sự thật sau những lời quảng cáo
"Công trình xanh" đang dần trở thành cụm từ quen thuộc tại các dự án bất động sản ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn coi đây là mục tiêu phát triển trong tương lai, xây dựng cả hoạch định chiến lược để theo đuổi.
Tại khu vực miền Nam, Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) hiện đang lấy phương châm “nhà phát triển công trình xanh”, phát triển chuỗi căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Quốc tế Diamond Lotus trong suốt 12 năm hình thành và phát triển của mình. Trong một bài viết trên trang thông tin của Phúc Khang Corporation khẳng định, bản thân doanh nghiệp “tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị khác tại khu vực miền Nam như Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty TNHH Vietnam Land SSG..., cũng bắt đầu xây dựng một số dự án chung cư, quảng cáo là “công trình xanh” tới khách hàng.
Tuy nhiên, đằng sau ngôn từ mỹ miều về cuộc sống xanh được các chủ đầu tư quảng cáo lại xuất hiện "vết gợn" khiến cho ước mơ về tương lai công trình xanh như ở các nước phát triển khó thành hiện thực.
Dự án Rome Diamond Lotus của Phúc Khang Corporation được quảng cáo là công trình xanh nhưng vẫn chưa thể thực hiện đúng tiến độ.
Đơn cử như tại dự án Rome Diamond Lotus (tọa lạc tại số 50 Đại lộ Mai Chí Thọ, thuộc phường An Phú, TP.Thủ Đức) từng được chủ đầu tư Phúc Khang Corporation khẳng định sẽ trở thành Rome (Ý) thu nhỏ tại Việt Nam. Vào năm 2018, người mua nhà liên tục bị hấp lực bởi những lời quảng cáo dự án Rome Diamond Lotus trên khắp các trang thông tin đại chúng, chủ đầu tư còn hứa hẹn đến quý II/2021 sẽ bàn giao nhà.
Tuy nhiên đã hơn 3 năm trôi qua, khu đất xây dựng Rome Diamond Lotus vẫn chỉ là bãi đất trống, xung quanh quây tôn rỉ sét. Nhiều năm qua, không có hoạt động xây dựng tại Rome Diamond Lotus, thi thoảng có người ra vào dự án nhưng chủ yếu là trông coi bãi đất với cỏ mọc um tùm.
Một khu đất khác cũng được công ty thành viên của Phúc Khang Corporation quảng cáo xây dựng là dự án chung cư Diamond Lotus Lake View (96 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM), mở bán từ năm 2016 nhưng hiện nay cũng đang nằm bất động khiến những người từng bỏ tiền ra mua sốt ruột, đòi chủ đầu tư phải hoàn lại khoản tiền đã nộp cộng thêm lãi suất chậm tiến độ đã quy định trong hợp đồng.
Giữa năm 2020, Phúc Khang Corporation cũng vướng phải lùm xùm tại dự án khu đô thị Văn hoá – Thương mại – Du lịch Làng Sen Việt Nam (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khi bị khách hàng tố chậm xây dựng hạ tầng, mang sổ đỏ của khách hàng đi cầm cố ngân hàng. Mặc dù sau đó phía chủ đầu tư đã có thông tin trả lời về vấn đề này. Thế nhưng, sự việc ít nhiều cũng khiến cho khách hàng nghi ngờ về mục tiêu phát triển công trình xanh của doanh nghiệp.
Một dự án khác do công ty thành viên của Phúc Khang Corporation làm chủ đầu tư cũng định hướng phát triển công trình xanh nhưng đang chậm tiến độ.
Tại dự án Melosa Khang Điền (Quận 9, TP.HCM) rộng 17 ha cũng từng được Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền quảng cáo có mật độ cây xanh lên tới 70%, mang đến một không gian sống hoàn hảo, thư thái yên bình và êm ấm cho các gia đình ở đây. Mọi tiện ích nội khu trong dự án đều phải đảm bảo 3 yếu tố: Hiện đại, sang trọng và hài hòa với thiên nhiên.
Thế nhưng, sau khi dự án Melosa Garden có cư dân vào ở thì bất ngờ nảy sinh những mâu thuẫn giữa dân và chủ đầu tư. Một cư dân sống tại Melosa Garden từ năm 2017 chia sẻ, vào tháng 4/2019 một phần đất trống trong dự án được chăng dây, máy móc tiến hành ép cọc gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng tới các cuộc sống của cư dân. Khi hỏi ra thì mới biết là chủ đầu tư xây dựng trạm xử lí nước thải tại đây.
"Thời điểm mở bán, phần đất trống này là vị trí xây dựng công viên chứ không phải là xây trạm xử lí nước thải. Nếu biết xây trạm xử lí nước thải thì tôi sẽ không mua nhà gần đó. Sau khi biết thông tin, người dân đã phản đối và việc xây dựng trạm xử lí nước thải bị ngưng thi công", cư dân sống tại Melosa Garden kể lại.
Một năm sau, chủ đầu tư lại tiếp tục xây dựng trạm xử lí nước thải tại vị trí đất dùng làm công viên, việc thi công khiến cho một số căn hộ bị nứt và xuống cấp. Cư dân tiếp tục tập trung phản đối, việc thi công bị ngưng trệ, bên trong ngổn ngang vật liệu sát thép bị hoen rỉ.
Người dân cho rằng, nhiều năm qua nước thải của các cư dân trong dự án Melosa Garden đang được thải trực tiếp ra sông.
Từ đây, cư dân Melosa Garden đặt ra câu hỏi, trong suốt 5 năm qua, nước thải của hơn 500 hộ gia đình đang sinh sống (ước tính khoảng 500 m3/ngày) trong dự án Melosa Khang Điền đã được xử lí ra sao? Liệu rằng, dòng sông Rạch Chiếc nằm cạnh dự án có bị “bức tử” bởi nguồn nước thải chưa được xử lí hay không?
Bên cạnh đó, dự án khu dân cư Saigon Pearl do Công ty TNHH Vietnam Land SSG làm chủ đầu tư có diện tích 10,37 ha cũng từng được quảng cáo là “công trình xanh” với môi trường trong lành, hạ tầng hoàn thiện, vị trí thuận lợi, quản lí theo tiêu chuẩn quốc tế, xứng đáng là ngôi nhà cao cấp 5 sao bên sông Sài Gòn.
Nhưng cuối năm 2020, cư dân Saigon Pearl mới phát hiện ra họ đang sống trong chung cư không có giấy phép xả thải và giấy phép đấu nối đường ống trước khi xả thải ra môi trường gần 10 năm qua. Hiện nay, trạm xử lí nước thải của khu dân cư Saigon Pearl đang nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn.
Trạm xử lý nước thải của dự án Saigon Pearl nằm trên hành lang bảo vệ sông.
Công trình xanh đang bị méo mó?
Trước thực trạng phát triển công trình xanh ở Việt Nam, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra rằng, dù cho các chủ đầu tư có áp dụng dự án theo tiêu chuẩn xanh nào trên thế giới thì cũng khó trở thành hiện thực. Bởi, đạt được công trình xanh phải hội tụ đầy đủ 3 yếu tố là kết cấu công trình, kết nối hạ tầng – không gian và mối quan hệ hài hòa giữa cư dân và chủ đầu tư. Nếu chỉ thiếu đi một trong ba yếu tố này thì công trình đó chưa được gọi là xanh. Chính vì thế, việc phát triển công trình xanh nếu như chỉ dựa vào sự nỗ lực của chủ đầu tư thì chưa đủ.
Trong một lần phát biểu tại hội thảo về công trình xanh diễn ra tại Hà Nội vào năm 2018, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư cho biết, ở nước ngoài dòng công nghiệp tạo ra đô thị còn ở Việt Nam dòng dịch vụ tạo ra đô thị nên mang những tiêu chuẩn ở nước ngoài vào áp dụng ở Việt Nam sẽ không thành công. Cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa. Chúng ta dần bước vào khủng hoảng đô thị!
Từ đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục thẳng thắn chỉ ra sự thật, tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều dự án chung cư đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được công nhận xanh. Các dự án đang được quảng cáo là công trình xanh ở Việt Nam nên được gọi là "công trình thích ứng" hoặc công trình "tiết kiệm năng lượng" sẽ đúng bản chất hơn.
KTS Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đồng tình quan điểm khi cho rằng công trình xanh cần phải đi cùng với hạ tầng xanh, thông minh.
Ông Tùng cho rằng, công trình xanh trước hết phải đến từ tư duy của con người, tạo ra xanh trong lòng dân, như thế mới có thể đồng bộ, kết nối giữa con người, đô thị và hạ tầng thành một tổng thể công trình xanh.
Một điều nữa cũng được các chuyên gia đặt ra, với tốc độ phạt triển nhanh như hiện nay thì những công trình hiện tại được gọi là xanh thì trong 10 - 20 năm nữa có còn được gọi là xanh hay không? Khi mà, mỗi ngày lại có một tiêu chí về công trình xanh được đặt ra, quan niệm của con người cũng sẽ thay đổi qua từng thời kỳ.
Như ở Việt Nam, khoảng 20 năm trước ở chung cư cao tầng là điều gì đó rất mới, không được mọi người đón nhận. Nhưng đến nay thì việc ở nhà chung cư cao tầng lại được coi là xu thế mà nhiều người muốn đạt được.
Tháng 12/2020, trong buổi Tọa đàm chính sách phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng - hoạt động do Bộ Xây dựng chủ trì, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) thông tin, thống kê của tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho thấy, tính đến quý III/2020, Việt Nam chỉ có 155 công trình đạt chứng nhận xanh. Thực tế có tình trạng chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm. Khách hàng nhiều khi bỏ tiền mua căn hộ được quảng cáo là công trình xanh nhưng thực chất không xanh. Chính vì thế, Bộ Xây dựng đã yêu cầu rà soát dự án gắn "mác" công trình xanh, xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm. |
Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam