Cẩm Vân ·
2 năm trước
 1756

Dự án điện gió Ea Nam đẩy nhanh tiến độ bất chấp "thủ tục pháp lý", người dân gửi 500 lá đơn liên quan đến dự án này

"Tập đoàn đã cố gắng khắc phục để giảm thiểu thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trung Nam đã hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng tại vùng dự án, đồng thời đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình phúc lợi tại địa phương" - Đây là lời của đại diện Tập đoàn Trung Nam. Hy vọng vị đại diện này sẽ giữ lời hứa để bù đắp lại những thiệt thòi cho bà con.

Để "đảm bảo tiến độ", chủ đầu tư thi công khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Tại đại công trường xây dựng 84 tuabin thuộc dự án điện gió Ea Nam (tổng vốn 16.500 tỉ đồng) trải dài trên ba xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang (Ea H’Leo, Đắk Lắk) của Tập đoàn Trung Nam, công nhân đang vội vàng đẩy nhanh tiến độ. Được biết, tất cả các hạng mục của đại dự án này nhất định sẽ hoàn thành trước ngày 3/10/2021.

Tuy nhiên, điều đáng nói là để "đảm bảo tiến độ", chủ đầu tư dự án này đã thi công trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.

Trung Nam

Lãnh đạo UBND xã Ea Nam cho biết dự án điện gió Ea Nam được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 31-12-2020 trên diện tích thu hồi đất có thời hạn là 140ha. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được quy hoạch và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Ea H’leo giai đoạn 2021-2025; quy hoạch chung xây nông thôn mới của xã Ea Nam…

Qua kiểm tra, công ty này đã tự thỏa thuận mua đất của người dân (cho nhân viên đứng tên) và tiến hành thi công một số hạng mục công trình như nhà điều hành, trạm biến áp, đường giao thông và 28 vị trí tuabin trên toàn xã.

Để "đảm bảo tiến độ thi công", Tập đoàn Trung Nam dù chưa có bất cứ thủ tục nào về việc chuyển đổi đất rừng nhưng đã tự ý thỏa thuận với những người nhận khoán rừng sản xuất tại xã Ea Nam để san lấp, mở đường vào tuabin 24 và 61.

Cụ thể, tại xã Ea Nam, hàng loạt vị trí nhà điều hành dự án và các vị trí trụ tuabin chưa được bổ sung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, chưa nằm trong danh mục kế hoạch sử dụng đất đã bị các cá nhân, hộ gia đình phần lớn là nhân viên của công ty đứng ra thỏa thuận mua lại đất của người dân và đứng tên chủ sử dụng đất để “giải phóng mặt bằng”.

Thậm chí chủ đầu tư còn thi công xây dựng trụ tuabin trên diện tích đất lâm nghiệp của xã Ea Nam khi tự ý thỏa thuận với các hộ dân nhận khoán để san ủi, làm móng trụ số 61 tại thôn 4 với với diện tích 4.378,7m2 đồng thời mở đường qua đất lâm nghiệp vào trụ số 24 thuộc lô rừng tại thôn Ea Đen…

Trung Nam

Tuabin 81 chuẩn bị các hạng mục cuối cùng

Lãnh đạo UBND xã Ea Nam cho biết địa phương đã mời những người nhận khoán rừng lên làm việc để lập hồ sơ báo cáo huyện, tỉnh về sự việc nêu trên. "Việc Tập đoàn Trung Nam tiến hành thực hiện dự án điện gió Ea Nam là chưa đúng quy định Luật đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường hiện hành", lãnh đạo UBND xã Ea Nam nói. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Ea H’Leo, cho biết đây là sai sót về thủ tục, đã xử lý và huyện đã thống nhất cho đơn vị này làm thủ tục chuyển đổi theo quy định để đảm bảo tiến độ.

Thi công khi chưa có ĐTM và làm xáo trộn cuộc sống của người dân 

Thêm vào đó, quá trình chủ đầu tư thực hiện, thi công dự án khi Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Theo quy định của pháp luật, dự án đầu tư xây dựng nhà máy phong điện trên diện tích từ 50ha đến dưới 200ha thuộc danh mục dự án phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án, xây dựng dự án sau khi được cấp có thẩm quyền xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà máy phong điện thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Mặt khác, theo quy định, nhà đầu tư lập đánh giá sơ bộ tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền xem xét để chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chủ đầu tư nhà máy điện gió Ea Nam đã được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp Quyết định chủ trương đầu tư và thi công dự án trước sự phản đối của người dân. Tại Ea Nam, một trong 3 xã ở Ea H'leo nằm trong khu vực dự án đã có ít nhất 500 lá đơn liên quan đến dự án này.

Việc thi công dự án còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến bà con nơi đây. Trong những ngày tìm hiểu về dự án, báo chí nhận nhận được vô số những bức xúc của người dân tại vùng dự án. Ông P.T.H. (có nhà trên trục đường chính từ quốc lộ 14 về xã Ea Nam), bức xúc xe chở vật liệu xây dựng, thiết bị… chạy rầm rầm cả ngày lẫn đêm khiến bụi bay mù mịt, bám dày tường, nền nhà.

điện gió Ea Nam

Đường sá trên đại công trường luôn tấp nập, bụi mù mịt

Theo lãnh đạo UBND xã Ea Nam, trong quá trình thi công, công ty không thực hiện việc tưới nước đường, khu vực thi công gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ngoài ra, việc xe chở vật liệu quá trọng tải, xe lu công suất lớn, cường độ hoạt động mạnh làm nứt tường, sập giếng một số hộ dân.

Tập đoàn Trung Nam nói gì?

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hợp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, thừa nhận việc chưa hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất đã thi công là sai. Tuy nhiên, không phải tập đoàn cố tình san ủi đất rừng sản xuất mà do lỗi của anh em kỹ thuật. Theo đó, khi khảo sát, đơn vị đã lập thủ tục để xin được thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng do thủ tục kéo dài, đến nay chưa hoàn thành.

Theo ông Hợp, giấy phép ban đầu dự án có 100 tuabin nhưng sau đó giảm còn 84 tuabin, có nhiều vị trí để xây dựng nên không nhất thiết phải xây dựng tuabin 61 trên đất rừng sản xuất. "Nếu đúng thủ tục, địa phương phải bàn giao mặt bằng mình mới thi công, do anh em kỹ thuật không nắm quy định nên vội vàng. Đến nay huyện đã thống nhất để hoàn tất thủ tục chuyển đổi và tập đoàn đang gấp rút hoàn thành", ông Hợp nói.

Cũng theo ông Hợp, dự án có 84 tuabin gió, trải dài trên diện tích hơn 6.000ha đồi núi, xen lẫn đất chuyên canh cà phê đang được đẩy nhanh tiến độ trước tháng 11-2021 nên không tránh khỏi những sai sót về thủ tục, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường.

"Tập đoàn đã cố gắng khắc phục để giảm thiểu thấp nhất việc ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trung Nam đã hỗ trợ hơn 30 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng tại vùng dự án, đồng thời đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình phúc lợi tại địa phương", ông Hợp cho biết.

Có thể thấy, dự án điện gió Ea Nam đã gây ra khá nhiều bức xúc cho bà con. Và để "đảm bảo tiến độ", doanh nghiệp đã bất chấp quy định, tiến hành thi công mà chưa đủ thủ tục pháp lý, ngoài ra gây ô nhiễm và khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng. 

Người dân miệt mài làm đơn kiến nghị, phản ánh gửi tới chính quyền, còn chủ đầu tư thì cho rằng những sai sót về thủ tục và ô nhiễm là không thể tránh khỏi. Chỉ hi vọng Tập đoàn Trung Nam sẽ giữ lời hứa thực hiện chương trình phúc lợi tại địa phương để bù đắp cho người dân...

Nguồn: