Hải Ly ·
3 năm trước
 2376

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn 7,8 triệu USD do chậm tiến độ, nguồn chi trả từ đâu?

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày về đích vì chậm tiến độ, gây đội vốn 7,8 triệu USD do phát sinh chi phí ở hợp đồng tư vấn giám sát. Vậy nguồn tiền hàng trăm tỉ đồng này sẽ lấy từ nguồn nào để chi trả?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn tiếp tục chưa hẹn ngày đưa vào sử dụng. Dù đã thi công xong nhưng chưa được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công trình xây dựng đánh giá và kết luận, nên chưa đủ cơ sở để Bộ GTVT nghiệm thu và bàn giao cho Hà Nội đưa vào khai thác.

đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Hợp đồng EPC không hoàn thành đúng tiến độ, nên phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn giám sát, phát sinh khoảng 177 tỉ đồng tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Mới đây, theo Tiền Phong, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính liên quan tới việc đề xuất sửa đổi điều khoản trong Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), sử dụng vốn vay Trung Quốc.

Theo Bộ GTVT, do hợp đồng xây dựng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (hợp đồng EPC) không hoàn thành đúng tiến độ, nên phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn giám sát. Điều này làm chi phí hợp đồng tư vấn thêm khoảng 7,8 triệu USD so với ký kết ban đầu, nghĩa là phát sinh thêm khoảng 177 tỉ đồng tại dự án này. 

Do đó, Ban quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư, Bộ GTVT) đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT cho sử dụng phần vốn vay còn dư trên 26,4 triệu USD của hợp đồng vay vốn để bù cho chi chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát. Điều này do nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít.

Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sửa đổi một phần hiệp định vay vốn bổ sung, để bổ sung nội dung thanh toán từ hợp đồng vay vốn cho chi phí thuê tư vấn giám sát.

Tuy nhiên, phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sau đó trả lời: "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay". Vậy nên không cần thiết phải sửa hiệp định vay. Điều này có nghĩa là khoản tiền 7,8 triệu USD này sẽ không được tài trợ. 

đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày về đích

Chúng ta có thể tóm lược lại vấn đề một cách ngắn gọn như sau: Do hợp đồng EPC không thể hoàn thành đúng theo tiến độ nên dự án đường sắt trên cao Hà Đông- Cát Linh phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát nên cần bổ sung khoảng 7,8 triệu USD. Bộ GTVT Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sửa hiệp định vay, đề nghị cho sử dụng phần vốn vay còn dư trên 26,4 triệu USD của hợp đồng vay vốn để bù khoản chi phí 7,8 triệu USD này nhưng đã bị từ chối.

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng nguồn nào có thể trả cho khoản tiền 7,8 triệu USD đội vốn cho hậu quả chậm tiến độ này? Nếu là tiền ngân sách thì thực chất vẫn là tiền của dân, chẳng phải vậy sao? Bởi nguồn thu chủ yếu của ngân sách là từ thuế của doanh nghiệp và người dân.

Nếu là đi vay để tính vào tổng mức đầu tư thì vẫn là ngân sách, hoặc sẽ được "hạch toán" vào đâu đó, như là giá vé chẳng hạn. Thì sau cùng người "gánh" khoản vay này vẫn là những người sử dụng dịch vụ, chính là người dân. 

Việc chậm tiến độ gây đội vốn do chi chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát, việc này phải trả giá một phần bằng tiền, chính là hiển hiện ở giá trị số 7,8 triệu USD kia. Tuy nhiên, có đúng hay không khi lại bắt người dân trả giá cho những sai lầm không phải của người dân gây ra? 

Thiết nghĩ, khi câu chuyện đội vốn 7,8 triệu USD này được đưa ra, cần làm rõ rằng những ai chịu trách nhiệm chính trong việc để chậm tiến độ như vậy. Những tổ chức, cá nhân nào đã không làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ dẫn đến chậm trễ, phải chi hàng trăm tỉ đồng cho việc chi phí tăng thêm ở hợp đồng tư vấn giám sát này?

Biết rằng, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên tới 18.002 tỷ đồng (tăng hơn 9.000 tỷ đồng). Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án đã nhiều lần chậm trễ tiến độ.

Vậy nhưng, vì nhiều lý do, hiện, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày về đích.