Lan Hương ·
2 năm trước
 3962

Dự án Tây Hòa Airport: Người dân "tố" bị mua phải "vịt giời" và hành trình đòi tiền cọc quá gian nan

Đây không phải là vụ việc đầu tiên người dân mua phải "lúa non" với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Câu chuyện bà con đặt cọc rồi lại vất vả đi đòi tiền tôi đã gặp nhiều lắm. Thế nhưng, những sàn bất động sản nhận tiền cọc sai quy định như vậy sẽ bị phạt ra sao? Người dân có được trả lại tiền cọc hay không sau khi xuống tiền tại những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý giống như tại Tây Hòa Airport? Tôi cần giải đáp những câu hỏi này!

Gần đây, rất nhiều khách hàng đã phản ánh rằng mình bị "dụ" đặt cọc mua đất nền trên Dự án Khu dân cư thương mại và dịch vụ xã Tây Hòa (tên thương mại Tây Hòa Airport), tọa lạc tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai trong khi dự án này chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Trớ trêu là sau khi "xuống tiền" khách hàng mới biết dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, khi phát hiện ra mức độ rủi ro thì cũng là lúc họ bắt đầu hành trình đi đòi lại tiền cọc nhưng gặp muôn vàn khó khăn.

Cụ thể, Dự án Khu dân cư thương mại và dịch vụ xã Tây Hòa do Công ty TNHH Bất động sản Liên Hợp (Công ty Liên Hợp) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 1342/QĐ-UBND ngày 04/5/2019.

Theo quyết định này, Công ty Liên Hợp được phép đầu tư dự án trên khu đất có quy mô 7,18ha thuộc tờ bản đồ số 10 các thửa 549 (diện tích 65.883m2, loại đất ở tại nông thôn kết hợp đất trồng cây lâu năm) và một phần diện tích quy hoạch đất ở tại nông thôn (2.740,6m2) của thửa 563 (tổng 6.001,3m2), loại đất trồng cây lâu năm.

Đến ngày 20/5/2020, dự án này được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500.

Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện khá nhiều quảng cáo rao bán bất động sản tại một dự án bất động sản ở xã Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai có tên "Dự án Khu đô thị Tây Hòa AIRPORT" hoặc "Khu dân cư thương mại dịch vụ Tây Hòa".

Thế nhưng, theo Kiểm Sát Online, dự án nêu trên vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan; chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xây dựng… Thế nhưng Chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm 8 tuyến đường dài 1.000m, rộng 7m (tương đương khoảng 7.000m2) và 1 công trình nhà cấp 4 với diện tích 70m2.

dự án sai phạm

Trên mạng xuất hiện khá nhiều quảng cáo rao bán bất động sản tại một dự án bất động sản ở xã Tây Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai có tên "Dự án Khu đô thị Tây Hòa AIRPORT" hoặc "Khu dân cư thương mại dịch vụ Tây Hòa"

Liên quan đến việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra Quyết định xử phạt 300 triệu đồng, đồng thời buộc Công ty Liên Hợp có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, xử lý nước thải...; lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục theo quy định.

Thậm chí, để ngăn chặn tình trạng nhiều người dân thiếu hiểu biết mua phải dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, UBND xã Tây Hòa đã cắm biển tại khu vực dự án để cảnh báo người dân khi giao dịch mua bán bất động sản với nội dung: “Dự án Khu dân cư thương mại và dịch vụ xã Tây Hòa, chủ đầu tư: Công ty BĐS Liên Hợp chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đất nền trong dự án do chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định”.

Dự án Tây Hòa Airport

UBND xã Tây Hòa đã cắm biển tại khu vực dự án để cảnh báo người dân

Thế nhưng trên thực tế, mặc dù đã được cắm biển cảnh báo là như vậy, nhưng dự án vẫn được rao bán "trót lọt" cho rất nhiều khách hàng.

Công ty cổ phần Phát triển Đại ốc Vina Land (Công ty Vina Land), có địa chỉ tại Số 7 Tân Kỳ Tân Quý, Phường 13, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (được cho là đơn vị phân phối của dự án - PV) đã tiến hành các hoạt động môi giới và nhận tiền đặt cọc mua bất động sản tại dự án bằng “Phiếu đặt cọc”.

Theo “Phiếu đặt cọc” này, khách hàng cam kết sẽ thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc đảm bảo chuyển nhượng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư trong vòng 07 (bẩy) ngày kể từ ngày ký phiếu và sẽ thanh toán đầy đủ…

Xét trên phương diện pháp luật, theo Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án. Chủ đầu tư có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua và được cơ quan nhà nước trả lời đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh.

Thế nhưng với những điều kiện hiện tại của Dự án Khu dân cư thương mại và dịch vụ xã Tây Hòa thì chưa thể đủ điều kiện kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là việc môi giới thực hiện thu tiền của người dân kể trên có đúng pháp luật?

Về pháp lý là chưa đủ điều kiện kinh doanh, thế nhưng những người bán hàng đã sử dụng "chiêu thức" nào để rao bán thành công đất nền tại dự án này?

Thứ nhất, Công ty Vina Land tổ chức đưa khách hàng hàng đến tham quan đất nền tại Khu Đô thị Tây Hòa Airport, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Cùng trên chuyến xe có rất nhiều khách hàng tham quan dự án. Thế nhưng theo phản ánh của khách hàng T.T.D – một trong những nạn nhân của Công ty Vina Land, thì sau này ông D mới biết phần lớn đó đều là nhân viên của công ty. 

Trong quá trình tham quan, Công ty Vina Land đã giới thiệu nhiều chương trình chiết khấu hấp dẫn để khách hàng xuống tiền cọc ngay. Thông qua chiêu thức "cò mồi" bằng nhân viên công ty, Công ty Vina Land đã khiến nhiều khách hàng nóng lòng theo hiệu ứng đám đông, từ đó muốn dành phần đất tốt mà đặt cọc nhanh chóng. 

Tây Hòa AIRPORT

Sơ đồ phân lô Dự án Tây Hòa Airport được nhân viên sàn BĐS giới thiệu cho khách hàng

Thứ hai, trong suốt quá trình thăm quan dự án, công ty đã khéo léo di chuyển bằng đường khác, trong hẻm nhỏ của các khu dân cư để “né” biển cảnh báo của chính quyền địa phương, và vì vậy, nhiều khách hàng vẫn xuống tiền đặt cọc mà không hề biết rằng mình đang có nguy cơ mua phải “vịt giời”.

Sau khi đóng tiền cọc trở về, nhiều khách hàng khi xem lại điều kiện pháp lý của công ty, hoặc thấy được tấm biển cảnh báo của chính quyền địa phương mới "tá hỏa" biết mình đã "ôm" một mối rủi ro rất lớn. Và khi đó, hành trình đi đòi lại tiền cọc bắt đầu.

Vina Land

Phiếu đặt cọc mua dự án 

Sau khi vụ việc xảy ra, ông T.T.D đã làm việc với Giám đốc sàn giao dịch bất động sản, vị Giám đốc này cam kết trong tháng 5/2021 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nếu không sẽ hoàn cọc cho ông D. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần liên hệ ông D vẫn không có được câu trả lời và chưa được trả lại tiền cọc.

Có thể thấy, đây không phải là vụ việc đầu tiên người dân mua phải "lúa non" với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Thế nhưng, bằng nhiều chiêu thức khác nhau của chủ đầu tư hoặc các sàn môi giới bất động sản, người dân vẫn bị "ôm" phải rất nhiều rủi ro. 

Khuyến cáo người dân trước khi đầu tư nên xem xét kĩ cơ sở pháp lý của dự án, tránh việc xuống tiền rồi lại vất vả đi đòi tiền. Trước thực trạng xây dựng, kinh doanh bất động sản, đặc biệt là đất nền vẫn diễn biến hết sức phức tạp, các nhà đầu tư thứ cấp và người dân cần tỉnh táo trước những thông tin rao bán tương tự như trên.

Tài liệu từ Kiểm Sát Online