Lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định, đến nay tuy vẫn còn khó khăn nhất định nhưng dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng tích cực hơn. Do đó, TP dự kiến sẽ tăng hệ số K trong năm 2023.
Tăng hệ số K 1,0 lần
Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình Hội đồng Nhân dân Thành phố xin ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 trên địa bàn Thành phố.
Trong các năm 2020, 2021 và 2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nên hệ số K được giữ nguyên, UBND TP.HCM cho hay.
Giá đất thị trường thời gian qua đã có chiều hướng tăng. Do vậy, theo UBND TP.HCM, việc tăng hệ số K năm 2023 lên 1.0 lần so với năm 2022 là cần thiết để từng bước đưa giá đất tiệm cận với giá thị trường.
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường trình để UBND TP.HCM ban hành Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, tỷ lệ giá đất theo bảng giá đất so với giá thị trường ở mức thấp.
Cụ thể, khu vực 1 (Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình và Q.Phú Nhuận) là 14,31%. Khu vực 2 (Q.6, Q.7, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Phú và TP.Thủ Đức) 10,86%;
Khu vực 3 (Q.8, Q.12, Q.Bình Tân) 9,99%; khu vực 4 (huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn) 9,5%; Khu vực 5 (huyện Cần Giờ) chỉ 7%.
Hệ số K cho ba nhóm đối tượng Nhóm 1 có hệ số K=2,5 lần áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ không phải đất ở sang đất ở với phần diện tích vượt hạn mức. Năm 2022, các đối tượng này được áp dụng hệ số K=1,5. Nhóm 2 có hệ số K cao nhất là 3,5 lần và thấp nhất là 1,7 lần (năm 2022 là 2,5 và 1,7 lần). Nhóm này áp dụng với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm. Trong đó, với đất có mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, hệ số K 1,7-3,5 lần. Với đất có mục đích sản xuất, kinh doanh, hệ số K 1,7-2,7 lần. Nhóm 3 áp dụng với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá; cho thuê đất nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê: Hệ số K tương tự như nhóm 2. |
Đồng thời, rà soát hệ số K để bồi thường được duyệt trong năm 2021 và 2022 từ 4-15 lần bảng giá đất.
Trong khi đó, với hệ số K năm 2022 thì giá đất cụ thể được xác định sau khi nhân hệ số bằng khoảng 10,5-35,7% giá thị trường, tuỳ theo khu vực, mục đích và hình thức sử dụng đất.
Theo UBND TP.HCM, năm 2022 và dự báo năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội còn diễn biến phức tạp, khó khăn. Nếu tăng hệ số K tương đồng với hệ số K để tính bồi thường (giá thị trường) thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người sử dụng đất.
Với đề xuất tăng hệ số K năm 2023 lên 1.0 lần so với năm 2022, giá đất cụ thể sau khi nhân hệ số điều chỉnh sẽ bằng khoảng 18-50% giá thị trường.
Việc tăng hệ số K, những ai bị ảnh hưởng?
Theo UBND TP.HCM, việc tăng kệ số K năm 2023 không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức.
Với các quận nội thành là 160 m2; Q.7, Q.12, Q.Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện là 200 m2; huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn là 300 m2.
Đối với các hộ có phần diện tích vượt hạn mức, theo UBND TP.HCM, hồ sơ không nhiều và mức tăng là phù hợp vì giá đất thị trường và bảng giá đất với các huyện chênh lệch rất lớn, từ 8-15 lần.
Đồng thời, việc tăng hệ số K sẽ tác động đến tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất hoặc được giao đất không qua đấu giá có giá theo bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng. Tuy vậy, mức tăng 1.0 lần là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Tăng hệ số K ở mức vừa phải và theo lộ trình thích hợp sẽ đảm bảo công bằng trong các phương pháp xác định giá đất cũng như trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn, theo UBND TP.HCM cho hay.