Thanh Thuý ·
3 năm trước
 3857

Dự báo thiên tai bất thường năm 2021

Với vị trí địa lý đặc biệt, gần Biển Đông, chúng ta thường xuyên chịu tác động mạnh của thiên tai, nhất là các cơn bão nhiệt đới khi đến mùa. Phòng chống thiên tai chưa bao giờ là công việc phải ngừng nghỉ ở nước ta.

Trong năm 2020, người dân cả nước đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Ngay giờ đầu, ngày đầu của Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 mưa đá, dông lốc đã trút xuống dữ dội ở nhiều tỉnh thành của miền bắc. Mùa khô, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn xảy ra sớm, lấn sâu và kéo dài nhiều ngày vượt năm hạn mặn khốc liệt kỷ lục năm 2016.  

Hạn mặn khốc liệt

Hạn mặn khốc liệt người nông dân chỉ biết cầu trời.

Tiếp đến mùa mưa, miền Trung phải hứng chịu chuỗi thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 41 ngày, nơi đây đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của sáu cơn bão và một áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây.

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài, với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn gấp 3 đến 5,5 lần so trung bình nhiều năm (TBNN), với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử. Lũ lớn cũng xảy ra trên hầu khắp các sông trên toàn quốc, đỉnh lũ phổ biến vượt mức báo động 3 từ 0,5 đến 2 m, nhiều sông vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân ở khu vực này.

Thiên tai ngày càng dị thường

Theo Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai năm 2021 được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường và có chiều hướng cực đoan hơn. Mùa mưa bão năm nay dự báo sẽ đến sớm, đầu mùa từ tháng 6 - 8 tập trung tại khu vực Bắc và giữa biển Đông, khu Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng. Từ tháng 9 bão sẽ hoạt động nhiều hơn khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ kéo dài xuống phía Nam.

Mưa lớn dự báo tập trung khu vực Bắc Bộ từ tháng 8-9, từ tháng 9-11 tập trung khu vực Trung Bộ. Cùng với hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong các tháng 4 và 5 tổng lượng mưa tại khu vực Nam Bộ đạt cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), tháng 6, 7 và 10, 11 xấp xỉ TBNN, còn tháng 8 và 9 thấp hơn TBNN khoảng 20%. Về tình hình thủy văn đầu nguồn sông Cửu Long năm 2021 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2, xuất hiện vào nửa cuối tháng 9/2021.

Trận lũ kinh hoàng tại Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

Trận lũ kinh hoàng đã làm Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ cô lập hoàn toàn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, giai đoạn tháng 6-7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng 8-10/2021. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021. Đồng thời, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Nâng cao năng lực dự đoán khí tượng thủy văn

Năm 2021 cũng được dự báo là một năm thiên tai có nhiều biến động, cực đoan, không theo quy luật. Chính vì vậy, toàn ngành khí tượng - thủy văn cần sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo khí tượng - thủy văn thường xuyên, liên tục, qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương lấy làm căn cứ chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tổng cục Khí tượng - Thủy văn đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác dự báo phòng, chống thiên tai năm 2020, rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng - thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo, trên cơ sở đó cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp trong năm 2021 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu. 

Để chủ động, phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả trong công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại; Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 hết sức chi tiết, cụ thể.

Công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu: Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm "4 tại chỗ'' (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động và thường xuyên; Đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến đơn vị và người dân.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai và yêu cầu ngày càng cao của xã hội về chất lượng dự báo, thông tin cảnh báo dự báo được cập nhật thường xuyên, kịp thời… nên việc đảm bảo số liệu quan trắc chính xác, liên tục và nâng cao chất lượng dự báo KTTV đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành KTTV, cần có những định hướng và giải pháp cụ thể. Về nhận định về tình hình KTTV trong những tháng còn lại năm 2021.

Những hình thái thời tiết nguy hiểm trong thời gian sắp tới và mùa mưa bão đang đến gần đòi hỏi Chính phủ còn rất nhiều công việc phải làm. Trước tiên, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần chủ động nâng cao tính cảnh giác và sẵn sàng các giải pháp đối phó với từng tình huống, linh hoạt, luôn sẵn sàng ở trạng thái và tâm thế chủ động để cùng chung tay góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, để cùng “sống chung với lũ” nhưng vẫn an toàn.

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét, riêng trong tháng 5/2021, đã xảy ra 50 trận dông lốc, sét rải rác tại 25 tỉnh/TP trên cả nước; 5 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc, trong đó, đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7 - 13/1/2021; 7 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó, 2 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông.

Thiên tai từ đầu năm đã làm 19 người chết, 26 người bị thương; 46 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.988 nhà bị hư hỏng, tốc mái, di dời khẩn cấp; 3.895 gia súc, gia cầm bị chết; 30.874 ha lúa, rau màu và 203 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.453m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 112 tỉ đồng.

 

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam