Phương Dung Bùi ·
3 năm trước
 2200

'Khúc mắc' đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Kiểm toán cho rằng Bộ GTVT áp sai giá nhân công hơn 222 tỷ đồng, Bộ GTVT giải trình thế nào?

Kiểm toán cho rằng Bộ GTVT áp sai giá nhân công xây dựng với số tiền hơn 222 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu tăng gần 72 tỷ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỷ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỷ đồng, phần đường ray tăng 4,7 tỷ đồng và đường tránh QL 6 tăng 1,7 tỷ đồng. Bộ GTVT trả lời ra sao? Dưới đây là câu trả lời cho những ai muốn tìm hiểu về vấn đề này!

Theo Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT đã dự toán một số hạng mục công việc xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị áp dụng chưa phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý định mức, hợp đồng EPC làm tăng giá trị dự toán các hạng mục công trình.

Cụ thể, Kiểm toán cho rằng Bộ GTVT áp sai giá nhân công xây dựng với số tiền hơn 222 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu tăng gần 72 tỷ đồng, nhà ga trên cao tăng 101 tỷ đồng, khu depot tăng hơn 42 tỷ đồng, phần đường ray tăng 4,7 tỷ đồng và đường tránh QL 6 tăng 1,7 tỷ đồng.

Trong trường hợp này, Bộ GTVT phải áp dụng trả lương nhân công theo quyết định 3796/2014 của UBND TP Hà Nội về công bố giá nhân công thị trường trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn và Nghị định 70/2011 của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.

đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Giải trình trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Bộ GTVT cho rằng do thời gian thực hiện dự án Nghị định 70/2011 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 103/2012 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng.
 
Cục Đường sắt Việt Nam đã gửi văn bản cho UBND TP.Hà Nội tham vấn việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103. Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội không có văn bản trả lời nên quá trình lập, thẩm tra, thẩm định dự toán chủ đầu tư đã căn cứ Nghị định 103. 
 
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho rằng Quyết định số 3796/2014 của TP Hà Nội được hiểu chỉ hướng dẫn cho các công trình do UBND TP Hà Nội quản lý chứ không phải cho tất cả các công trình trên địa bàn Hà Nội. Mặt khác, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có yếu tố nước ngoài, đã và đang phê duyệt chi phí nhân công với mức lương tối thiểu tại Nghị định 70/2011, nên chủ đầu tư hiểu rằng quyết định trên chỉ là tham khảo...
 
Cụ thể, Bộ GTVT đã nêu như sau: “Dự án có quy mô, tính chất kỹ thuật phức tạp, thực hiện chỉ định thầu theo hình thức hợp đồng EPC và Tổng thầu EPC là doanh nghiệp nước ngoài. Thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt đến đâu, tổng thầu lựa chọn nhà thầu phụ trong nước thực hiện đến đó. Thời điểm kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán các hạng mục xây lắp này đều đã thực hiện hoàn thành, và tổng thầu EPC đã thanh toán hết cho các nhà thầu phụ trong nước. Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất việc áp dụng đơn giá nhân công cho dự án để phê duyệt dự toán”.
 
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất việc áp dụng đơn giá nhân công cho dự án để phê duyệt dự toán.

Trước kiến nghị của Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ vấn đề trên không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Do đó, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội giải quyết theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình này.

Trên đây là giải trình của Bộ GTVT về số tiền 222 tỉ mà Kiểm toán cho rằng Bộ GTVT áp sai giá nhân công xây dựng, cho rằng Bộ GTVT đã dự toán một số hạng mục công việc xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị áp dụng chưa phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý định mức, hợp đồng EPC làm tăng giá trị dự toán các hạng mục công trình.
 
Hẳn là có rất nhiều người quan tâm về vấn đề này. Xin nói lại những thông tin mà mình ghi trên đây hoàn toàn chính thống từ Thanh Niên, Người Lao Động. Mình chỉ muốn nói rằng khoan hãy có những ý kiến trái chiều, hãy nghe ý kiến từ các bộ và theo dõi cách xử lý của UBND TP Hà Nội, mình tin rằng UBND TP Hà Nội sẽ giải quyết theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình này.