Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 3074

EU: Sản lượng điện mặt trời tăng cao kỷ lục trong tháng 6 và 7/2021

Theo Tổ chức độc lập về khí hậu Ember, nguồn cung điện mặt trời ở Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 6 và tháng 7 đã tăng lên mức cao kỷ lục của năm 2021, chiếm đến 10% sản lượng điện của khu vực này.

Thống kê mới nhất của Tổ chức độc lập về khí hậu (Ember) cho biết, 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã sản xuất lượng điện đạt gần 39 TWh từ các tấm quang điện trong tháng 6 và tháng 7. Con số này đã tăng 10,9 TWh so với năm 2018.

Theo đó, nguồn cung điện mặt trời ở EU trong tháng 6 và tháng 7 đã tăng lên mức cao kỷ lục của năm 2021, chiếm đến 10% sản lượng điện của khu vực này.

Ngoài ra, sản lượng điện mặt trời ở 27 nước EU trung bình tăng 14 TWh/năm trong năm 2019 và 2020, và được dự đoán sẽ duy trì mức tăng này trong năm 2021. Song để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2030, con số nói trên cần phải tăng lên gấp đôi, khoảng 30 TWh/năm.

Cánh đồng điện mặt trời tại Italy.

Cánh đồng điện mặt trời tại Italy. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Báo cáo của Ember cũng cho biết các mức sản lượng điện mặt trời kỷ lục mới được ghi nhận tại 8 nước EU. Trong đó, sản lượng điện mặt trời của Đức đã tăng từ 11,5 TWh năm 2018 lên 13,4 TWh, chiếm 17% tổng sản lượng điện của nước này trong mùa hè này, và cao nhất trong khu vực.

Bên cạnh đó, sản lượng điện mặt trời của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp hai lần từ 3,1 TWh năm 2018 lên 6,4 TWh năm 2021, chiếm 16% tổng sản lượng điện của nước này. Đây là mức tăng trưởng sản lượng điện mặt trời cao nhất trong khu vực EU.

Tuy nhiên, tổng sản lượng điện từ các tấm quang điện của EU vẫn thấp hơn nguồn cung điện từ than đá, vốn chiếm 14% ở khu vực này trong tháng 6 và tháng 7 năm 2021.

Trong gói các chính sách về khí hậu, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cải cách các quy định về năng lượng tái tạo. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, EC đã đặt ra một mục tiêu tham vọng hơn, đó là nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nhiên liệu tiêu thụ của khối lên 40% từ nay đến năm 2030, cao hơn mục tiêu được đặt ra trước đó là 32% và mức khoảng 20% của năm 2019.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất đến năm 2035 cắt giảm 100% lượng khí thải CO2, đồng nghĩa với việc ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được bán tại 27 nước thành viên của khối này. Từ đó thúc đẩy xu hướng chuyển sang các loại xe điện (EV) không phát thải.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, sự bùng nổ năng lượng sạch có thể khiến năng lượng tái tạo tăng 25% so với ước tính tăng trưởng trước đó, do tốc độ mở rộng thị trường năng lượng tái tạo nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.

IEA cho rằng nhu cầu sản xuất năng lượng sạch vẫn đang bùng nổ trên khắp châu Âu và Mỹ. Khi các nước phát triển đang hành động nhiều hơn để giữ cho mức tăng trưởng hàng năm của ngành công nghiệp toàn cầu gần với mức của năm 2020.

Trong đó, tại Vương quốc Anh, sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi dự báo sẽ chiếm 1/4 công suất gió của thế giới vào năm 2022. Điều này khiến quốc gia này sẽ trở thành nước duy nhất trên thế giới có nhiều năng lượng gió được tạo ra ở ngoài khơi hơn so với trên đất liền.

Nguồn