Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách nhất mà Đông Nam Á đang phải đối mặt và điều quan trọng là các nước phải hợp tác cùng nhau để xây dựng các giải pháp sáng tạo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang trung hòa carbon, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif, các nước ASEAN cần các công nghệ carbon thấp có thể tiếp cận và tài trợ lãi suất thấp từ nhiều nguồn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.
Cụ thể, ASEAN sẽ cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo. Đó là lý do ASEAN cần tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á.
ASEAN đã đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 23% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và 35% tổng công suất điện lắp đặt vào năm 2025. Các nước thành viên cũng được kỳ vọng sẽ đạt được mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2050.
ASEAN sẽ cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo.
Theo ông Arifin, Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 cũng mong muốn tất cả các nước thành viên ASEAN công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 41 vào tháng 8/2023 tới.
Ông Arifin nhấn mạnh: “Cam kết chung của chúng ta sẽ trở thành nền tảng cho lộ trình phát thải ròng bằng 0 trong ASEAN. Lộ trình này sẽ phục vụ như một kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, với giá cả phải chăng, đáng tin cậy và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội, cũng như các ưu tiên của các quốc gia ASEAN".
Bộ trưởng Arifin cũng cho hay ASEAN có 17.000 GW tiềm năng năng lượng tái tạo. Một số nước thành viên ASEAN, trong đó có Indonesia, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn khoáng sản dồi dào vốn là nền tảng chính cho các công nghệ năng lượng sạch như xe điện. ASEAN cần nỗ lực chung để xây dựng ngành công nghiệp hạ nguồn trong khu vực.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ADB cùng các đối tác đã khởi động Quan hệ Đối tác Đông Nam Á về cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) nhằm đẩy nhanh việc sớm ngừng hoạt động đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than; hỗ trợ lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo; cũng như giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng để bảo vệ người nghèo và những người dễ bị tổn thương.
Trước đó, Hội thảo giải pháp phát triển Đông Nam Á (SEAD) năm 2023 với chủ đề “Hình dung về một ASEAN có mức phát thải ròng bằng 0” đã được tổ chức tại Bali.
SEADS 2023 được xây dựng dựa trên những thành công của nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Indonesia vào năm 2022, trong đó đặt quá trình chuyển đổi toàn cầu sang nền kinh tế carbon thấp lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
SEADS 2023 bao gồm 9 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào việc triển khai công nghệ trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; thiết kế các thành phố carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển sang năng lượng sạch; đảm bảo một nền kinh tế ASEAN phát thải ròng bằng không và bao trùm; giảm thiểu tác động của khí hậu đối với sức khỏe; đảm bảo nền kinh tế xanh hướng tới không phát thải ròng; huy động tài chính cho mục tiêu trung hòa carbon; tái tạo du lịch sinh thái; và triển khai điện toán đám mây để đáp ứng các mục tiêu khí hậu.
Với thông điệp "Imagining a Net-Zero ASEAN - Hướng tới một ASEAN có mức phát thải ròng bằng 0", Hội thảo tập trung vào các nội dung: Việc triển khai các công nghệ mới nhằm giảm thiểu và thích ứng với khí hậu; phương án bảo đảm các thành phố có khả năng thích ứng với khí hậu; xanh hóa và tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu; xu hướng sử dụng năng lượng sạch; bảo đảm người nghèo và người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ Net-Zero ASEAN; giảm thiểu tác động của khí hậu đối với sức khỏe; Net zero và nền kinh tế xanh; du lịch thân thiện với khí hậu.