Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2023, giá rao bán chung cư ở Hà Nội và TP.HCM gần như đi ngang ở tất cả các phân khúc. So với cùng kỳ năm trước, giá rao bán chung cư Hà Nội tăng nhẹ từ 2% - 4% ở phân khúc bình dân và trung cấp, giảm 1% đối với phân khúc cao cấp. Tại TP.HCM, chung cư bình dân không có bất kỳ thay đổi nào về giá rao bán, chung cư trung cấp có giá tăng 2%, trong khi chung cư cao cấp tăng giá 6%.
Giá bán khó giảm như kỳ vọng
Như vậy, giá chung cư tại các thành phố lớn đã trải qua nhiều tháng cầm chừng, không còn tăng nóng như trước đây nhưng cũng không giảm. Báo cáo quý 1/2023 của Batdongsan.com.vn cho thấy 43% người có nhu cầu mua ở thực đang có tâm lý tiếp tục chờ bất động sản giảm giá.
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Batdongsan.com.vn, 49% các nhà môi giới đánh giá chung cư bán/cho thuê là loại hình bất động sản tiềm năng nhất năm 2023. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Hà Nội khoảng 49% và TP.HCM khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về nhà ở đô thị luôn hiện hữu.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều người băn khoăn đây có phải là thời điểm thích hợp để xuống tiền mua nhà. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn khuyến nghị người mua nên cân nhắc kỹ bài toán tài chính, xem xét số vốn tự có, khả năng vay vốn và khả năng trả nợ.
“Đối với những người mua để ở thì mua nhà tại thời điểm này sẽ đáp ứng ngay nhu cầu và việc an cư lạc nghiệp có thể giúp người sở hữu nhà có được dòng tiền tốt hơn. Còn đối với các nhà đầu tư nên tính toán kỹ lưỡng hơn rất nhiều vì chi phí đầu tư liên quan đến việc thu hồi vốn nên cần nắm vững thông tin chi tiết về khả năng biến động giá thuê, giá bán, lợi suất cho thuê”- ông Quốc Anh nói.
Theo Batdongsan.com.vn, lợi suất cho thuê chung cư ở Hà Nội và TP.HCM trong quý 1/2023 lần lượt là 4,9% và 4,4%/năm, chưa tính đến lợi nhuận nếu giá nhà tăng. Mức lợi suất này tuy đã cao hơn năm 2021 và 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch Covid. Cụ thể, năm 2019, lợi suất cho thuê chung cư ở Hà Nội và TP.HCM là khoảng 6%/năm.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết: “Nhu cầu thực đối với bất động sản vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú hích tương đối, do đó tôi đánh giá thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Theo dữ liệu mà chúng tôi có được, từ tuần đầu tiên của tháng 5, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm bất động sản đã có dấu hiệu khả quan hơn”.
Thị trường đất nền Hà Nội ra sao sau quy định được phép tách thửa?
Riêng về đất nền, cũng theo báo cáo của đơn vị này, việc giao dịch đất nền trầm lắng kéo dài từ năm 2022 đến nay do nhiều nguyên nhân như nguồn vốn, lãi suất, nguồn cung.
Dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn cho thấy đất nền các khu vực như Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) trong quý đầu năm nay đều có giá rao bán giảm từ 1 - 13% so với quý 4/2022, mức độ quan tâm cũng giảm từ 4% - 24% tùy từng khu vực.
Thị trường đất nền vẫn khó "ấm" lên
Vừa qua, Hà Nội đã "mở cửa" cho phép tách thửa đất trở lại, ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc của Batdongsan.com.vn đánh giá việc cho phép tách thửa trở lại là một “tia sáng nhỏ” cho thị trường đất nền Hà Nội.
Tuy nhiên, để thị trường đất nền phát triển bền vững hơn thì cần trợ lực lớn hơn như đẩy mạnh dịch chuyển các trung tâm hành chính, khu công nghiệp, dự án, trường đại học ra ngoại thành Hà Nội; đầu tư quyết liệt hơn cho các khu đô thị vệ tinh phía Tây như Hòa Lạc, Xuân Mai và phía bắc Sông Hồng như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh.
Cùng với đó, thị trường cần các gói cho vay mua bất động sản với lãi suất phù hợp hơn, dưới 10% thay vì trung bình 11% - 13% và ưu tiên việc cho vay với những bất động sản được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra dòng tiền và ổn định hơn là các bất động sản đầu cơ