Nhất Bác ·
1 năm trước
 4752

Giá cước vận tải hàng hóa đường biển giảm mạnh

Chi phí vận chuyển hàng hóa trên các tuyến thương mại đường biển chính của thế giới đã giảm mạnh so với mức đỉnh hồi năm ngoái.

Giá cước vận chuyển container giảm nhanh trong bối cảnh lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia đang ảnh hưởng đến nhu cầu chi tiêu của người dân và các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch COVID-19 đã được giải quyết.

Theo hãng tư vấn vận tải biển Xeneta, giá cước vận chuyển một container 40 feet từ miền đông Trung Quốc đến bờ biển phía tây của Mỹ trong tháng 2 đã giảm 85% từ mức kỷ lục hồi tháng 3/2022.

Tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ tại các cảng biển trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19 giờ đã biến mất. Viện nghiên cứu Kiel của Đức ước tính, trong tháng 1, khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, khi nhu cầu hàng hóa tại nhiều nước sụt giảm.

Còn theo hãng vận tải Maersk, nhu cầu sử dụng container chở hàng dự kiến cũng sẽ giảm 2,5% trong năm nay, khi lạm phát vẫn ở mức cao và lãi suất đang trên đà tăng ở Mỹ hay châu Âu.

"Nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt tại nhiều quốc gia sẽ tiếp tục hạn chế các hoạt động thương mại hàng hóa thêm một thời gian nữa, mặc dù việc kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp cải thiện phần nào triển vọng", bà Leah Fahy - chuyên gia kinh tế, công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định.

Giá cước vận tải hàng hóa đường biển giảm mạnh. (Ảnh minh họa: splash247)

Sau hai năm hưởng lợi lớn từ giá cước cao, các hãng vận tải biển đều đã đưa ra cảnh báo về khả năng lợi nhuận giảm sâu trong năm nay. Để ngăn đà giảm của giá cước, các doanh nghiệp vận tải được dự báo sẽ hạn chế công suất vận chuyển.

Thống kê của eeSea cho thấy, trong năm ngoái, số chuyến vận tải hàng hóa giữa Đông Á với châu Âu hoặc Bắc Mỹ bị hủy đã tăng 40% so với năm 2021.

Ông John Mccown - Nhà sáng lập công ty tư vấn Blue Alpha Capital cho biết: "Các hãng vận tải sẽ áp dụng biện pháp tương tự như thời điểm đại dịch mới bùng phát khiến nhiều nhà máy đóng cửa đó là cho nhiều tàu vận tải ngừng hoạt động. Điều này đã tạo điều kiện để giá cước vận tải tăng vọt khi nhu cầu hàng hóa hồi phục. Giờ đây, việc cắt giảm công suất hoạt động có thể sẽ mạnh tay hơn, bởi các hãng vận tải đã chứng kiến giá cước có thể biến động lớn như thế nào".

Tuy nhiên, các hãng vận tải cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ lượng tàu đóng mới quá lớn để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Các thống kê cho thấy, tính đến tháng 1, tổng công suất vận chuyển hàng hóa của các tàu được đặt hàng đóng mới đã bằng 1/3 đội tàu đang hoạt động trên toàn cầu. Khi các tàu mới này được bàn giao, công suất vận chuyển dư thừa sẽ tăng cao hơn nữa, đẩy giá cước vận chuyển tiếp tục giảm sâu.