Ngọc Lan ·
13 tuần trước
 9865

Giá gạo xuất khẩu hiện nay đang tăng vọt, mang lại lợi ích kinh tế lớn

Ghi nhận giá lúa gạo ngày 22/8 tại thị trường trong nước tăng, giảm trái chiều với mặt hàng lúa và có xu hướng giảm với gạo nguyên liệu và thành phẩm. Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo tăng vọt 2 - 3 USD/tấn.

Giá lúa gạo hôm nay

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều khi tăng 200 đồng/kg với lúa OM 5451 và giảm với lúa OM 18 và có xu hướng giảm 100 đồng/kg với gạo nguyên liệu và thành phẩm.

Thị trường gạo tại các địa phương hôm nay nguồn về ít, giá giảm nhẹ, kho mua cầm chừng. Cụ thể, tại An Cư (Sóc Trăng), giao dịch chậm, lượng về ít, giá giảm nhẹ. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp) gạo về ít các bến, kho mua chậm, chất lượng không đẹp.

Với mặt hàng gạo, giá gạo ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu xuống mức 11.550 - 11.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 xuống mức 13.600 - 13.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, giá gạo ghi nhận không có sự điều chỉnh với các mặt hàng gạo lẻ. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 28.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, ghi nhận tại các địa phương, giao dịch chậm, giá chững. Tại Kiên Giang, ít người mua, giao dịch lúa chậm. Tại Long An, nhu cầu mua lúa chậm, ít người mua. Tại Đồng Tháp, lúa chuẩn bị cắt còn ít, giao dịch chậm, giá chững.

Theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá lúa hôm nay ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua, IR 50404 giá dao động quanh mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 8.400 - 8.500 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ở mức 8.200 - 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 8.500 - 8.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa OM 380 dao động từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, thị trường nếp ghi nhận giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Nếp IR 4625 (tươi) 7.600 - 7.700 đồng/kg giảm 200 đồng so với ngày hôm qua. Nếp An Giang (tươi) 7.000 - 7.200 đồng/kg, đi ngang so với ngày hôm qua.

Mặt hàng phụ phẩm hôm nay ghi nhận giảm nhẹ so với ngày trước đó. Hiện, giá tấm OM 5451 xuống ở mức 9.400 - 9.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; giá cám khô giữ ở mức 7.150 - 7.250 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của nước ta ghi nhận tăng mạnh so với ngày hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 100% tấm ở mức 440 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 5% tấm lên mức 578 USD/tấn, tăng 3 USD/tấn; gạo 25% tấm lên mức 541 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn.

Nguyên nhân khiến giá gạo tiếp tục leo thang

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng tại Tiền Giang, sản lượng xuất khẩu của công ty sang Philippines đã tăng hơn 30% so với tháng trước, phản ánh xu hướng chung của toàn ngành.

Các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia đã tăng mục tiêu nhập khẩu lên đến 4,5-4,7 triệu tấn và 4,3 triệu tấn tương ứng, tạo động lực mạnh mẽ đẩy giá gạo Việt Nam lên cao.

Thị trường gạo toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nhiều sau khi Ấn Độ, quốc gia chiếm 40% nguồn cung gạo thế giới, bất ngờ cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati vào tháng 7.

Lệnh cấm này đã loại bỏ 10 triệu tấn gạo khỏi thị trường, dẫn đến giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua.

Các nhà nhập khẩu từ Indonesia và Philippines đã phải trả thêm từ 30 đến 80 đô la một tấn so với các hợp đồng đã ký trước khi lệnh cấm được áp dụng.

Việc giá gạo nước ta tăng cao không chỉ phản ánh nhu cầu thị trường mà còn chịu ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và sự khan hiếm nguồn cung.

Theo ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phương Đông, việc các nước tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho mùa hạn hán năm sau là một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo tiếp tục leo thang.

Ông Nguyễn Việt Anh dự đoán giá gạo Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm, đặc biệt nếu Ấn Độ không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang các khu vực mới như Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp duy trì đà tăng trưởng trong xuất khẩu gạo.

Tính đến nay, trong 7 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tình hình hiện tại, theo dự báo của nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể đạt mức xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ đô la Mỹ, lập nên kỷ lục mới cho ngành gạo nước nhà.

Tuy vậy, việc giá gạo tăng cao cũng đặt ra thách thức lớn cho các nhà xuất khẩu, khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác và nguy cơ lạm phát lương thực tại các thị trường nhập khẩu lớn.

Nhìn chung, giá gạo nước ta đang ở mức cao chưa từng có, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp. Tuy vậy, việc duy trì và phát triển vị thế này trong bối cảnh thị trường đầy biến động đòi hỏi các chiến lược dài hạn và sự linh hoạt trong chính sách xuất khẩu.