Nhiều căn tăng lên tiền tỷ
Mặc dù thanh khoản đi xuống nhưng giá nhà trong ngõ vẫn liên tục tăng mạnh, thậm chí, ngang ngửa với nhà liền kề, biệt thự. Sau giai đoạn thị trường "sốt nóng", tại Hà Nội, mỗi m2 giá nhà đất trong ngõ đã cao ngang ngửa so với nhà liền kề khu đô thị xung quanh.
Khi giá đất nền tại nhiều nơi đã giảm nhiệt cục bộ, thanh khoản cũng thấp dần đi thì giá chung cư và nhà đất trong ngõ lại có xu hướng tăng mạnh. Trong khoảng 1 năm trở lại đây nhiều căn nhà đã tăng lên tiền tỷ.
Theo thông tin, giá nhà trong ngõ ở Phú Đô (Nam Từ Liêm), tại mặt ngõ khoảng 2-3 m có giá từ 90-130 triệu đồng/m2. Tại khu vực Phương Canh, giá nhà ở mặt ngõ 2-3 m cũng có giá từ 80-100 triệu đồng/m2. Tại khu vực quanh đường Hồ Tùng Mậu, có giá dao động từ 80-130 triệu đồng/m2. Ngay sát đó, khu vực Cầu Diễn cũng có giá dao động từ 80-110 triệu đồng/m2.
Với mức giá rao bán của nhà trong ngõ đang gần sát với giá nhà liền kề, biệt thự khu vực Hoài Đức. Cụ thể, giá nhà liền kề, biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh đang dao động từ 75-130 triệu đồng/m2; khu đô thị Lideco giá dao bán đang từ 70-110 triệu đồng/m2; hay tại dự án nhà liền kề, biệt thự tại Thanh Đàm (Hoàng Mai) giá dao động từ 110-150 triệu đồng/m2.
Như một căn liền kề tại Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn có diện tích 75 m2, đang được rao bán với mức giá 7,5 tỷ đồng, tương đương 100 triệu đồng/m2.
Dự báo thị trường tiếp tục gặp khó
Dù mức giá đã cao nhưng nhiều chủ nhà và môi giới bất động sản vẫn cho rằng, nhu cầu thực hiện nay lớn nên rất có thể sẽ tiếp tục tăng giá bán nhà trong ngõ trong thời gian tới. Đang rao bán một căn nhà tại địa bàn Cầu Diễn, với giá 4,5 tỷ đồng, diện tích 40 m2 nằm ở mặt ngõ hơn 2 m, anh T, chủ của căn nhà cho rằng, hiện nay nhu cầu cực rất lớn, mỗi ngày có tới 3-4 người liên hệ để tới xem.
Anh T cho hay: “Họ đều có nhu cầu mua thật nên tới xem, nhưng nếu thấp hơn mức giá đang rao tôi sẽ không bán mà cứ để đó. Nhu cầu đang lớn như vậy có khi còn tăng giá tiếp”.
Anh N, môi giới tại khu vực Nam Từ Liêm cho biết, giá nhà trong ngõ hiện nay đang tăng chóng mặt, chủ nhà liên tục thay đổi giá bán khiến môi giới chạy theo không kịp.
Đơn cử, một căn nhà 30 m2, nằm ở mặt ngõ rộng 2,5 m tại phường Phú Đô, đang được rao bán với giá 3,75 tỷ đồng, tương đương 125 triệu đồng/m2. Theo anh N, năm ngoái, với những căn như này chỉ có mức giá khoảng 2,6 - 2,8 tỷ đồng, tương đương 86-93 triệu đồng/m2. Nhưng đến nay, chủ nhà đã thay đổi giá nhiều lần.
Anh N nói chia sẻ: “Nhiều chủ nhà cứ mấy ngày lại đòi thay đổi giá một lần, chưa cần nói tới chuyện môi giới bán chênh thì người mua đa phần đã khó chấp nhận được mức giá của nhà trong ngõ hiện tại. Không phủ nhu cầu đang rất lớ nhưng khả năng mua thì chỉ có hạn”.
Có thể mức giá rao bán rất cao nhưng người mua cần cân nhắc trả giá hợp lý so với tiềm năng của ngôi nhà. “Thực tế, nhiều ngôi nhà rao bán cả năm vẫn chưa thể thanh khoản. Chủ nhà cứ kê giá rất cao nếu bán được thì tốt không họ sẽ tiếp tục để đấy và chờ giá tiếp tục tăng”, anh N nói.
Nhiều môi giới bất động sản thực tế cũng xác nhận, dù các phân khúc phục vụ nhu cầu thực như nhà trong ngõ không bị tắc thanh khoản như đất nền. Nhưng, lượng giao dịch đã giảm đáng kể. Nguyên nhân là do mức giá tăng cao trong những năm gần đây, cộng thêm việc lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao khiến nhiều người cũng “ngại” xuống tiền.
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không khó để lý giải về tình trạng trên, những đợt "sốt nóng" đã đẩy giá nhà đất ở lên cao hơn rất nhiều giá trị thực và mặt bằng chung, nên thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người có nhu cầu cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản cũng nhận định, thị trường chưa thấy có động lực để khởi sắc: “Trong khi những nhà đầu tư có tiền vẫn nằm chờ vì họ nghĩ rằng sắp tới sẽ có đợt sale off, còn những người có nhu cầu thật cũng vẫn chờ giá giảm”, ông Chánh nói và khuyến nghị, các nhà đầu tư cần phải cơ cấu dòng tiền trong thời gian tới, những sản phẩm nào ra hàng được thì cần phải bán để thu tiền về, có dòng tiền mới tồn tại và sống sót. |