Kim Chi ·
1 năm trước
 7109

Giá trần vé máy bay: Nên giữ hay bỏ?

Việc bỏ quy định về áp dụng giá trần là vấn đề lớn, sẽ thay đổi một chính sách quan trọng vì vậy chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi.

Vẫn còn ý kiến trái chiều

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới nhất đã được trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến. Trong đó, việc giữ hay bỏ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa tiếp tục được đặt ra.

Một số ý kiến đã đề nghị không quy định giá trần đối với dịch vụ cảng biển và dịch vụ hàng không. Bởi cho rằng quy định này không phù hợp với nguyên tắc thị trường khi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài (đầu tư các Cảng biển), nhiều hãng hàng không ra đời cạnh tranh khá lớn làm hạn chế khả năng và động lực phát triển của các hãng hàng không, các công ty vận tải biển. Hơn nữa, giá trần do cơ quan quản lý Nhà nước quy định trong một số trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư của nhà đầu tư (như trường hợp đầu tư các Cảng biển) hoặc thấp hơn chi phí đầu vào do giá cả vật tư, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.

Mặt khác, việc điều chỉnh giá trần của cơ quan Nhà nước thường rất chậm, không theo kịp biến động của thị trường gây khó khăn, thua lỗ rất lớn cho các doanh nghiệp ảnh hưởng đến việc phát triển chung toàn ngành và tác động đến nền kinh tế trong dài hạn. Đồng thời, làm mất đi nguồn lực, tài nguyên, nguồn thu NSNN của nhà nước (như trường hợp giá dịch vụ bốc xếp container của nước ta giá dịch vụ cảng biển bị cạnh tranh xuống giá quá thấp, thấp hơn rất nhiều so với giá các nước trong khu vực và giá được quy định cách đây 20 năm kéo dài hàng chục năm nay đang làm suy kiệt tiềm năng phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển của Việt Nam, đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho các hãng tàu nước ngoài).

Việc giữ hay bỏ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. (Ảnh minh họa)

Ý kiến này cũng cho rằng, quy định giá trần nhưng không quy định giá tối thiểu trong nhiều trường hợp dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh; làm hạn chế doanh nghiệp kinh doanh phân khúc chất lượng cao.

Ngoài ra, đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, một số ý kiến cho rằng, việc áp giá trần còn một số vướng mắc là không phù hợp với thông lệ quốc tế vì các quốc gia trên thế giới hiện không áp dụng; không công bằng đối với các loại hình dịch vụ khác vì hiện nay giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng tàu hỏa, vận chuyển hành khách tuyến cố định, taxi đều do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tự định giá và kê khai giá với cơ quan Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, Cơ quan soạn thảo và Bộ Giao thông vận tải đề nghị phải giữ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Lí do vì trên thực tế, hiện nay dịch vụ này vẫn là một trong những dịch vụ thiết yếu, có ý nghĩa quan trọng, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc không quy định giá trần đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Khi sửa Luật theo hướng không còn quy định giá trần thì các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến xã hội và khó khắc phục vì nếu tiếp tục sửa Luật thì đòi hỏi thời gian. Đặc biệt, so với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay thì càng thu hẹp điều kiện để người dân được tiếp cận dịch vụ hàng không nếu trường hợp giá vé tăng cao.

Cùng với đó, trên thực tế, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa vẫn đang là một trong các dịch vụ thuộc loại có thị trường cạnh tranh hạn chế. Hiện chỉ có 06 hãng hàng không tham gia thị trường chưa có thị trường cạnh tranh như đường bộ.

Việc bỏ quy định về áp dụng giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là vấn đề lớn, là thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động. Trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi.

Không còn nước nào quản lý bằng giá trần

Từng cho ý kiến về việc có nên tồn tại giá trần vé máy bay hay không, TS Lương Hoài Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ du lịch Gotadi cho rằng sự duy trì giá trần vé máy bay cho đến nay là sự vô lý, cần phải chấm dứt. Ông cho rằng trên thế giới hiện nay không còn nước nào quản lý bằng giá trần, mà đa phần để các hãng tự do.

Việc áp trần giá vé máy bay, theo ông Nam, tước đi cơ hội tăng doanh thu của các hãng hàng không, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm. Ngoài ra, giá trần vô hình chung làm kìm hãng sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Ông Nam phân tích sự tăng trưởng của thị trường nội địa không phụ thuộc vào tăng trưởng của thị trường nội địa bởi có những đối tượng không chịu ảnh hưởng bởi giá. Sự tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều hay ít giá vé rẻ, và việc áp giá trần làm vé rẻ ít đi, kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Do đó, Nhà nước cần bỏ trần giá vé máy bay nội địa và để thị trường quyết định.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân, đi tìm sự khác nhau giữa giá cả dịch vụ hàng không với giá hàng hóa thông thường. Theo ông, giá hàng hóa thông thường đã được niêm yết giá và có thể mặc cả được, còn vé máy bay phải khi mua mới biết giá (phụ thuộc vào thời điểm). Giá cả dịch vụ hàng không phải xét theo cấu trúc tạo nên, với chi phí biến động rất nhiều và khó kiểm soát: biến động tỷ giá, nhân công, nhiên liệu...

"Chúng ta nên tuân thủ luật quốc tế hiện nay, rất ít nước còn áp trần giá vé máy bay. Sớm hay muộn chúng ta nên bỏ giá trần, thay vào đó là công thức tính giá để tạo được một khung giá rộng. Trên phương diện kinh tế, hàng không là loại hình không thay đổi được, ví dụ tuần có 3 chuyến bay, do những đặc thù vậy, cơ chế quản lý giá lĩnh vực hàng không cũng cần có yếu tố đặc thù", ông Đạt nói.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, thông thường chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng bay. Tuy nhiên, tại tháng 11/2022, cùng với biến động tỷ giá VND/USD, chi phí nhiên liệu của các hãng tăng hơn 80% so với tháng 9/2015 góp lần làm tổng chi phí của doanh nghiệp tăng thêm gần 33,5%.
Theo Bộ GTVT dự kiến, từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng trên 1.000 km tăng hơn 6%.