Ngọc Lan ·
13 tuần trước
 9738

Giá trị hồ tiêu cả năm 2024 đã có một mức tăng đáng kể

Giá hồ tiêu trong nước ghi nhận ở mức 140.000 đồng/kg, tăng gấp 1,75 lần hồi đầu năm 2024. Trong thời điểm cao nhất, giá hồ tiêu đạt mức 158.000 đồng/kg.

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung hạn chế.

Giá trị hồ tiêu cả năm 2024 đã có một mức tăng đáng kể. Toàn ngành được dự đoán sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm nay. 7 tháng đầu năm nay, Phúc Sinh - nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu Việt Nam tiếp tục duy trì 8% thị phần toàn cầu, trong đó, thị trường Hoa Kỳ là thị trường chủ lực. Trong bối cảnh ngành hồ tiêu tăng trưởng tốt, tổng lượng xuất khẩu của công ty này đã tăng 40%. Còn giá xuất khẩu bình quân tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho hay “Tiêu thì chúng tôi vẫn đầy kho và vẫn tiếp tục bán hàng ngày và tôi nghĩ vẫn sản xuất rất nhiều, chúng tôi phải làm 2 ca để có thể kịp được các đơn hàng tiến độ”. 

Bên cạnh đó, ông Phan Minh Thông cho biết, tiêu tăng từ 87.000đ đến 187.000đ là tăng hơn 100%, không phải tăng 30-40%, đó là một tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam, không phải chỉ có cà phê, hồ tiêu nữa mà nhiều mặt hàng khác.

VPSA định hướng ưu tiên giữ ổn định diện tích hạt tiêu, tập trung các giải pháp cải thiện chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Theo đó, cần khuyến cáo và hướng dẫn nông dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, thực hiện quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại, chế biến bảo quản phù hợp với điều kiện khí hậu của các vùng miền.

Nhìn vào số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ hai cho Trung Quốc, đứng sau Indonesia, trong nửa đầu năm 2024 với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 32,7%, giảm so với mức 36,5% của cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế mua tiêu từ Việt Nam nhưng cũng chỉ mới nhập một lượng nhỏ gần 1.000 tấn từ Indonesia.

VPSA cho biết, hiện Brazil đã có 3 nhà máy hạt tiêu tiệt trùng, đang xây thêm 2 nhà máy nữa và sẽ hoàn thành trong năm sau. Trong tương lai hạt tiêu Brazil sẽ cạnh tranh tốt hơn với nước ta, vì thế nguồn cung nhập khẩu về sẽ ít hơn nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nguồn nguyên liệu.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam lại phải nhập khẩu nhiều hồ tiêu từ các quốc gia như Campuchia, Indonesia và Brazil. Chỉ riêng lượng hạt tiêu từ 3 quốc gia này đã chiếm tới 92% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta.

Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu hồ tiêu trong khi nước ta là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này được cho là do thời gian trước giá hồ tiêu ở mức thấp nên nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây khác. Thêm vào đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng hồ tiêu cũng bị sụt giảm mạnh.

VPSA cũng thừa nhận, do hiện tượng hạn hán kéo dài nên sản lượng hồ tiêu của nước ta trong năm nay bị giảm 10%, xuống khoảng 170.000 tấn so với năm ngoái.

Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nhập khẩu hồ tiêu từ các nước như Brazil, Campuchia và Indonesia... để phục vụ sản xuất và củng cố ngôi vị top 1 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu trong hơn 20 năm qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn cung từ Việt Nam bị giảm mạnh đã có tác động lớn tới giá hồ tiêu trên toàn cầu. Trong quý II/2024, giá hồ tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.