Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 10221

Giá vàng hôm nay (ngày 22/5) bao nhiêu một lượng?

Giá vàng 9999, 24K, 18K, 14K, 10K, vàng SJC, DOJI, PNJ hôm nay tăng hay giảm? Giá vàng hôm nay bao nhiêu một lượng?

Giá vàng trong nước hôm nay bao nhiêu?

Giá vàng 9999 hôm nay 22/5 được DOJI được niêm yết ở mức 88,60 triệu đồng/lượng mua vào và 90,40 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 89,50– 90,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 88,70 – 90,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 88,60 – 90,40 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 88,6 triệu đồng/lượng và bán ra 90,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng giá mua và 100.000 đồng giá bán.

Giá vàng thế giới hôm nay bao nhiêu?

Giá vàng thế giới sáng hôm nay giảm với vàng giao ngay giảm 5,2 USD xuống 2.420,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.425,2 USD/ounce, giảm 4,9 USD so với rạng sáng qua.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua 21/5, vàng chịu áp lực chốt lời sau khi kim loại quý này chạm mốc cao nhất mọi thời đại vào đầu tuần này. Mặc dù vậy, kim loại quý này vẫn duy trì vững chắc trên mức 2.400 USD/ounce.

Thời gian qua, vàng được hỗ trợ mạnh trong bối cảnh bất ổn về địa chính trị và kinh tế. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 16%, đạt mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce trong tháng 5. Một số chuyên gia cho rằng, vàng có thể sẵn sàng cho một đợt tăng giá khác. Các nhà phân tích của Citi Bank gần đây lạc quan dự đoán vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong vòng 6 đến 18 tháng tới.

Mặc dù lạc quan vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng hầu hết đều không chắc chắn thời điểm vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce. Động lực có thể đưa vàng lên mức đó là Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.  

Theo các nhà phân tích, sự phục hồi gần đây của vàng được thúc đẩy bởi việc đồng đôla Mỹ yếu hơn và sự sụt giảm lợi suất sau khi triển vọng lạm phát của Mỹ được cải thiện.

Các nhà phân tích cho rằng báo cáo về dữ liệu lạm phát tháng 4 của Mỹ vào thứ tư tuần trước cho thấy CPI và CPI cơ bản đang giảm tốc, lần lượt tăng 3,4% và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm một nguyên nhân khác góp phần tăng giá vàng là sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu kho bạc và đồng đôla yếu hơn, hai yếu tố có lợi cho sự hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Các nhà phân tích cũng quan tâm tới việc mua vàng của Ấn Độ vào dịp lễ hội Akshaya Tritiya tháng 5. Theo họ, mức chênh lệch giá vàng Ấn Độ so với giá quốc tế đã thu hẹp đáng kể từ 17,3 USD/oz trong tháng 4 xuống còn 1,9 USD/oz trong hai tuần đầu tiên của tháng 5, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường địa phương.

Với giá vàng trong nước giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.420,7 USD/ounce (tương đương gần 74,3 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 16 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, sáng ngày 21/5 đã đấu thầu thành công 79 lô tương đương 7.900 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 9 thành viên. Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 89,42 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 89,42 triệu đồng/lượng.

Dự kiến ngày mai (ngày 23/5), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng với khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7835039246555763