Giá vàng trong nước hôm nay bao nhiêu?
Giá vàng 9999 hôm nay được DOJI được niêm yết ở mức 73,45 triệu đồng/lượng mua vào và 75,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,30 – 75,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 73,55 – 75,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 73,50 – 76,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, giá vàng miếng thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 73,5 triệu đồng/lượng mua vào và 76 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 800.000 đồng giá mua và 900.000 đồng giá bán.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 73,55 triệu đồng/lượng và 75,85 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng chiều mua và 650.000 chiều bán so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới hôm nay bao nhiêu?
Rạng sáng hôm nay giá vàng thế giới giảm nhẹ với vàng giao ngay giảm 10,6 USD xuống 2.020,6 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.021,9 USD/ounce, giảm 7,4 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần khi các nhà đầu tư ngày càng tin rằng, có thể còn lâu nữa việc nới lỏng chỉnh sách tiền tệ mới diễn ra. Ngoài ra, tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư cải thiện cũng gây áp lực không nhỏ lên kim loại quý khi các nhà đầu tư chuyển sự quan tâm vào thị trường chứng khoán.
Vàng đã giảm khoảng 1% trong tuần trước, mức giảm hằng tuần lớn nhất trong 6 tuần, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ cần xem thêm dữ liệu lạm phát trước khi đưa ra bất kỳ ý kiến nào về cắt giảm lãi suất và thời điểm cắt giảm lãi suất có thể phải đến quý 3.
Theo CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch đang đánh giá khoảng 43,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3, so sánh với mức hơn 70% vào đầu tuần trước.
Hiện giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số quản trị mua hàng sơ bộ của Mỹ sẽ được công bố vào Thứ tư, dữ liệu GDP quý IV dự kiến vào Thứ năm và dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân vào Thứ sáu để có thêm tín hiệu về đường hướng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi không giảm như dự kiến, thì nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của cơ quan này.
Tuần này, thị trường cũng theo dõi chặt chẽ biến động của đồng USD dự báo sẽ chứng kiến nhiều biến động khi 3 ngân hàng trung ương lớn đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.
Trong đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự báo sẽ duy trì lập trường ôn hòa, Ngân hàng Trung ương Canada dự báo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định sau khi lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 12/2023.
Theo các chuyên gia, biến động của đồng USD và vàng được cho là sẽ chịu tác động lớn nhất bởi quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tuần vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), các thành viên của ECB đã phản đối việc cắt giảm lãi suất sớm. Chính sách "diều hâu" của ECB có thể gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Trong năm nay, dự báo hướng đi của vàng, chiến lược gia kim loại Nicky Shiels của MKS PAMP dự báo giá kim loại quý sẽ dao động trong phạm vi 1.900-2.200 USD/ounce trong năm 2024 và giá sẽ chạm mốc cao kỷ lục vào nửa đầu năm nay nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất. Cũng không loại trừ khả năng vàng sẽ chinh phục được mốc 2.300 USD/ounce với động lực từ các yếu tố khác như bất ổn địa chính trị và xu hướng phi đô la hóa trên thế giới.
Với giá vàng trong nước giảm mạnh và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.020,6 USD/ounce (tương đương gần 60,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 16 triệu đồng/lượng.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7326189280774098/?